MỊCH QUANG - SOẠN GIẢ, NHÀ NGHIÊN CỨU XUẤT SẮC VỀ HẬU TỔ TUỒNG ĐÀO TẤN
Bài: Nguyễn Thuý Hường; Ảnh: Tư liệu
2023-12-25T08:48:21-05:00
2023-12-25T08:48:21-05:00
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/mich-quang-soan-gia-nha-nghien-cuu-xuat-sac-ve-hau-to-tuong-dao-tan-210.html
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/anh-vo-tuong-ho-sanh-dan.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ hai - 25/12/2023 08:31
Soạn giả, Nhà nghiên cứu Mịch Quang (1917- 2017) đã đạt được những thành tựu nghiên cứu lý luận về sân khấu truyền thống Việt Nam rất đáng tự hào, góp phần quan trọng xây dựng nền móng vững chắc của nghệ thuật dân tộc và là một tác giả xuất sắc có những đóng góp quý báu trong suốt gần một thế kỷ qua cho nền sân khấu cách mạng nước nhà. Ông trở thành cây đại thụ tỏa bóng xanh mát trên con đường trường chinh bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc. Nhà nghiên cứu Mịch Quang chính là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Hậu tổ tuồng Đào Tấn trên văn đàn miền Bắc XHCN từ đầu những năm 1960. Từ đó về sau, ông tiếp tục có những công trình nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về Đào Tấn- Nhà yêu nước lớn, Nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, Nhà thơ lỗi lạc của dân tộc.
Sinh ra và lớn lên trên “cái nôi” tuồng Bình Định- đất tuồng Tuy Phước- quê hương của Hậu tổ tuồng Đào Tấn, là một trong những lợi thế để soạn giả, Nhà nghiên cứu Mịch Quang có điều kiện tìm hiểu, tiếp xúc với Tuồng và cuộc đời, sự nghiệp của Đào Tấn ngay từ rất sớm. Khi mới 10 tuổi, Mịch Quang đã mê xem Hát bội nên cùng bạn học thường xuyên đi xem các gánh hát của quê hương (là tập hợp những học trò giỏi của Đào Tấn: Bát Phàn, Cai Tám, Cai Tư, Cửu Khi, Chánh Ca Đựng, Chánh Ca Đông…) diễn các vở tuồng nổi tiếng của cụ Đào như “Trầm hương các”, “Cổ thành” “Hộ sanh đàn”… nên ông đã sớm thuộc từng câu hát Nam, hát Khách trong Tuồng của Đào tiên sinh.
Cảnh vở tuồng "Hộ sanh đàn" của Hậu tổ tuồng Đào Tấn
Về nhà, Mịch Quang được cha “Thầy Tú Bảy Phụng Sơn” giảng giải thêm về nội dung, ngữ nghĩa, tư tưởng chủ đề của tuồng Đào Tấn nên ông nắm chắc hơn kiến thức văn học trong Tuồng. Lớn lên, dù sống ở nhiều nơi, kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau nhưng Mịch Quang vẫn đồng thời suy nghĩ về Nhà soạn tuồng lỗi lạc Đào Tấn. Vì thế, sau gần một thế kỷ kỳ công, tìm tòi, trải nghiệm, nhiều công trình nghiên cứu cũng như các vở tuồng viết về Đào Tấn và các vở tuồng của cụ Đào được Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang lần lượt cho ra đời như: “Đào Tấn- Nhà thơ, Nhà soạn Tuồng kiệt xuất”, “Thân thế và sự nghiệp nghệ thuật tuồng Đào Tấn”, “Thử nghĩ về cái đầu đề Hộ sanh đàn”…; các vở tuồng “Thanh gươm hát Bội”, “Giấc mộng hồ hoa”…
Vốn là một Nhà nghiên cứu sân khấu dân tộc, Mịch Quang am hiểu thơ cổ điển, đặc biệt là thơ, từ, kịch bản của Đào Tấn. Ngay từ những thập niên 60, ông đã có không ít bài viết, công trình nghiên cứu phân tích cái hay, cái đẹp trong tuồng Đào Tấn về nghệ thuật thơ, từ độc đáo và bút pháp tài hoa của người nghệ sĩ họ Đào. Bài viết đầu tiên giới thiệu về Đào Tấn được đăng trên Tạp chí văn nghệ miền Bắc XHCN là bài “Đào Tấn nhà soạn tuồng kiệt xuất”. Trong đó có trích lời của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh mỗi khi dựng tuồng của Đào Tấn không cho diễn viên hát sai một chữ và gọi cụ Đào Tấn là “ông trạng Tuồng”, “Thánh trung thánh trong Tuồng”. Sau đó, Nhà nghiên cứu Mịch Quang viết khá đầy đủ và toàn diện về “Thân thế và sự nghiệp nghệ thuật tuồng Đào Tấn”. Trong công trình này, ông đã nêu, phân tích (có dẫn chứng) cuộc đời, con đường quan nghiệp và nghệ sỹ lớn của sân khấu Hát bội cuối thế kỷ XIX- Đào Tấn. Cụ thể, với vốn kiến thức uyên bác, sâu rộng cộng những điều “mắt thấy tai nghe” cùng nhịp đập của thời gian, Mịch Quang đã nghiên cứu kỹ lưỡng các tác phẩm của Đào Tấn về nội dung và nghệ thuật. Từ đó ông kết luận: “Trong quan hệ con người với thời cuộc, Đào Tấn là một ông quan có tinh thần yêu nước, có bước tiến rõ rệt trong nhận thức về thời cuộc, qua thơ, văn bộc lộ tâm tư riêng và đã có nhận thức khá chính xác nhưng vì không tìm ra hướng đi nào mà ông có thể tin là chắc thắng nên không dám hành động, chỉ biết bó tay khóc thầm.
Trong quan hệ nghệ sỹ với phong trào thì Đào Tấn là một tác gia, một nghệ sỹ lớn đã có những đóng góp trong việc phát triển nghệ thuật Tuồng, xứng đáng với sự ngưỡng mộ của ngành Tuồng đương thời. Có thể nói rằng nếu Đào Tấn không dám hành động trong chính trị thì ông đã hành động trong văn nghệ khá tích cực. Về mặt nghệ thuật, ông đã để lại cho chúng ta nhiều bài học rất lớn. Đào Tấn đã vượt qua thành kiến xướng ca vô loài đương thời mà tiến lên thành một nghệ sỹ toàn diện. Quan điểm nghệ thuật của ông gần gũi với quan điểm nghệ thuật sân khấu chúng ta hôm nay….Đào Tấn xứng đáng được nghiên cứu, giới thiệu nhằm phát huy một tài năng đã có công đóng góp vào kho tàng nghệ thuật sân khấu dân tộc.”
Cảnh trong vở tuồng "Sơn hậu"
Những đóng góp của Đào Tấn cho nền sân khấu Hát bội là rất lớn nên soạn giả Mịch Quang chưa dừng lại ở việc nghiên cứu các công trình về cụ Đào và nghệ thuật Tuồng mà ông mong muốn tự sáng tác các kịch bản tuồng viết về Đào tiên sinh để giới thiệu và phát huy có hiệu quả hơn nữa những giá trị nghệ thuật tuồng Đào Tấn nói riêng, nghệ thuật tuồng truyền thống nói chung tới đông đảo công chúng mộ điệu. Vì thế, để phục vụ cho Hội thảo khoa học lần thứ 3 về Danh nhân Đào Tấn và đặc trưng nghệ thuật Tuồng, năm 1987, tác giả Mịch Quang đã viết vở tuồng “Thanh gươm hát bội” (Đạo diễn- GS Hoàng Chương) nói về giai đoạn Đào Tấn những ngày ở Huế. Vở diễn đã gây tiếng vang lớn và giành huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Đây là vở diễn thành công nhất của ông về sáng tác Tuồng, được các nhà lý luận phê bình đánh giá là “một công trình thể nghiệm Tuồng trong Tuồng”. Tác giả Mịch quang đã khéo léo lồng vào nội dung và bố cục kịch bản này những lớp tuồng được rút ra từ các vở tuồng truyền thống “Tam nữ đồ vương”, “Trầm hương các” “Gián thập điều”… “Thanh gươm Hát bội” đã hấp dẫn khán giả không chỉ bằng những tình huống xung đột bạo liệt mà còn bằng chất trữ tình, chất thơ trong văn học. Thông qua “Thanh gươm Hát bội”- một vở tuồng có nội dung về danh nhân Đào Tấn sẽ là minh chứng sống động cho những gì ông đã viết trong công trình nghiên cứu “Thân thế và sự nghiệp nghệ thuật Tuồng Đào Tấn”. Để viết thành công vở “Thanh gươm Hát bội”, tác giả Mịch Quang đã nghiên cứu rất kỹ đại bộ phận tác phẩm của Đào Tấn. Ông thuộc lòng đến nhập tâm nhiều bài thơ, đoạn thơ của Đào tiên sinh. “Thanh gươm Hát bội” là hình ảnh ẩn dụ sâu xa mà tác giả muốn nói lên cốt cách cương trực ngay thẳng của một vị quan thanh liêm và tài năng, tính độc đáo của một người vì nước vì dân vốn là hai phẩm chất cao đẹp của Đào Tấn. Đó cũng là chủ đề tư tưởng của vở tuồng. Trước đó, tác giả Mịch Quang đã viết vở “Giấc mộng hồ hoa” (là tập một trong bộ ba mà ông định viết về vị Hậu tổ của ngành Tuồng- Đào Tấn). Nhan đề vở “Giấc mộng hồ hoa” là tác giả mượn chính tên vở “Hoa trì mộng” của Đào Tấn (được vua Tự Đức phê “kỹ thuật thần kỳ”) viết để phản ảnh thời kỳ Đào Tấn mới ra làm quan ở Ban hiệu thư trong triều Tự Đức với mong muốn tìm nguyên nhân viết vở tuồng lãng mạn ấy của cụ Đào. Cảm tác vở “Hoa trì mộng” của Đào Tấn nhưng Nhà soạn Tuồng Mịch Quang sáng tác vở “Giấc mộng hồ hoa” bằng một cốt truyện hư cấu hoàn toàn, đầy chất thơ và tính văn học để chứng minh việc không tán thành quan điểm tuyệt đối hóa tính bạo liệt trong Tuồng thông qua công trình nghiên cứu “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng”. Sau thành công của vở “Thanh gươm Hát bội”, Nhà hát tuồng Khánh Hòa có thêm kinh nghiệm trong việc thể hiện Danh nhân văn hóa Đào Tấn nên đã mạnh dạn giao cho diễn viên tự dựng, tự tập, không có đạo diễn theo cách làm tuồng xưa. Kết quả, đêm diễn báo cáo được khán giả tán thành.
Sáng tác kịch bản văn học cũng như kịch bản sân khấu, Mịch Quang luôn bám chắc kết cấu tuồng truyền thống là “tự sự kịch tính trữ tình” và quyết thừa kế phong cách thoáng của Đào Tấn, không chồng chất sự kiện. Ý nghĩa các vở tuồng mà soạn giả Mịch Quang sáng tác thể hiện lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống quê hương, nơi sinh ra những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất như Quang Trung - Nguyễn Huệ, Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh…Với Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, việc sáng tác Tuồng cốt phục vụ cho nghiên cứu và nghiên cứu cũng là để sáng tác cho đúng chất Tuồng. Ông thực sự trở thành soạn giả, Nhà nghiên cứu xuất sắc về Hậu tổ tuồng Đào Tấn.
Tác giả bài viết: Bài: Nguyễn Thuý Hường; Ảnh: Tư liệu