HƯƠNG XUÂN TRONG TUỒNG "TRẦM HƯƠNG CÁC"

Thứ ba - 19/12/2023 03:15
Trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông có lẽ Xuân là mùa dễ làm cho lòng người xao động nhất. Cũng chính vì vậy mà các tao nhân mặc khách xưa thường mượn vẻ đẹp của mùa Xuân để gửi gắm lòng mình. Cố nhiên Xuân trong vở tuồng Trầm hương các của Hậu tổ tuồng Đào Tấn cũng không nằm ngoài quy luật ấy.            
Đào Tiên sinh đã lấy tích từ truyện Phong Thần xưa để soạn tuồng Trầm Hương Các, cụ thể là từ đoạn Trụ Vương ngự giá hành hương đến đền Nữ Oa nhân ngày sinh của nữ thần – tức vào tiết Thanh Minh (khoảng tháng 3 âm lịch). Trong kịch bản có đoạn:
Thương Dung: Dạ!
Dám đạt, số là…
Minh nhật thị Nữ Oa thánh đán
Quần phương giai thiết lễ lập đàn
Dám đạt…
Xin thánh hoàng ngự giá hành hương
Cùng bá chấp nghinh tường tập phước
(Trích: Đào Tấn Tuồng Hát bội, kịch bản Trầm Hương Các, lớp 2 trang 174, 175)
     
TRỤ VƯƠNG
             
                              Nhân vật Trụ Vương (áo vàng bên trái) trong tuồng "Phong thần"  
  
              
  Tuy lấy tích truyện Phong Thần với nội dung Trụ Vương đến đền thần Nữ Oa vào thời khắc mùa xuân nhưng nếu đi sâu vào tác phẩm, ta thấy suy cho cùng đó cũng chỉ là cái cớ để Đào Tấn chấp bút soạn tuồng. Bởi lẽ mùa xuân được thể hiện trong Trầm Hương Các hoàn toàn khác so với tác phẩm Vũ Vương phạt Trụ bình thoại hay Phong thần diễn nghĩa của Trung Quốc. Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam mà Truyện Kiều của Nguyễn Du là một ví dụ tiêu biểu. Trong các nguyên tác của Trung Quốc, đa phần mang nặng tính tự sự. Vậy nên trong truyện, đất dành cho việc tả cảnh trên hành trình di chuyển của nhân vật thường rất ít. Ngược lại, trong kịch thơ, đặc biệt là các tác phẩm sân khấu tuồng, khoảng thời gian đi đường lại là lúc để nhân vật tức cảnh sinh tình dãi bày tâm sự. Cỏ cây hoa lá chỉ là cái cớ để nhân vật bộc bạch nội tâm, thể hiện tính cách… Với Trầm hương các của Hậu tổ tuồng cũng vậy, trên hành trình Trụ Vương cùng đoàn tùy tùng tới đền thờ Nữ Oa, cảnh xuân hiện lên khá đặc sắc:
Trụ Vương:




Nam:
Chư khanh!
Truyền di tàn phụng
Xa trải đường hoa
Ngõ từ chốn Triều ca
Kíp trông chừng bửu điện
Bửu điện xa rồng trực chỉ
Cảnh thái bình sơn thủy thanh cao
Bá quan: Khách: Xuân thảo phi phi thừa kiếm bội
Lư yên tế tế trú sinh mao
(Cỏ biếc là là luồn dải kiếm
Hương trầm nhẹ nhẹ quấn cờ mao)
Trụ Vương: Nam: Gió hương thổi lọt hoàng bào
Kiều mai tuyết điểm động đào mây giăng
Bá quan: Khách: Tam xuân thoại khí thanh hoàng lộ
Nhất đóa hồng vân điện bửu luân
(Gió xuân trải bước dặm trường
Mây hồng rọi lối đưa đường xe đi)
Trụ vương: Nam: Khang cù tiếng hát vang ngân
Xiêm Nghiêu thong thả chín tầng vỗ an
(Trích: Đào Tấn Tuồng Hát bội, kịch bản Trầm Hương Các, lớp 2 trang 174, 175)
Mùa xuân hiện lên trước tiên là một con đường với ngàn hoa trải lối. Hai bên cỏ xuân xanh mơn mởn trải dài như thảm lụa. Không gian xuân càng trở lên ấm áp hơn bởi sự lan tỏa của hương trầm: Xuân thảo phi phi thừa kiếm bội / Lư yên tế tế trú sinh mao (Cỏ biếc là là luồn dải kiếm / Hương trầm nhẹ nhẹ quấn cờ mao). Câu hát khách cất lên mở ra trước mắt chúng ta một khung cảnh khá sinh động. Rõ ràng trong hai vế của câu hát không hề có một từ nào miêu tả sự chuyển động của đoàn hành hương. Tuy nhiên chỉ với hình ảnh cỏ biếc cứ lần lượt luồn qua giải kiếm về phía sau và hương trầm nhẹ nhàng bay cuộn lấy cờ mao cũng đủ cho ta thấy xe vua cùng đoàn tùy tùng đang nhịp nhàng tiến về phía trước. Đây là thủ pháp vẽ mây nảy trăng – một thủ pháp nghệ thuật độc đáo thường thấy trong các tác phẩm Đường thi.
Tiếp mạch cảm hứng của bá quan, nhân vật Trụ Vương bồi thêm câu hát nam: Gió hương thổi lọt hoàng bào/ Kiều mai tuyết điểm động đào mây giăng. Cảnh vật càng trở nên đẹp và hấp dẫn hơn nữa. Con người và vạn vật như hòa quyện với nhau. Hình ảnh gió hương thổi lọt qua hoàng bào có sức gợi rất lớn. Vế hát này làm cho người nghe có sự liên tưởng phong phú. Gió hương kia là hương trầm, hương tự nhiên hay hương tỏa ra từ long thể của bậc quân vương quyền quý? Câu hỏi này quả thực khó tìm được lời giải thấu tình đạt lý. Tuy nhiên sự mơ hồ ấy đã mang lại hiệu quả nghệ thuật rất cao, biểu đạt được hàm ý nghệ thuật của Hậu tổ tuồng Đào Tấn. Dẫu không biết được sinh ra từ đâu nhưng gió hương ở đây rất đậm chất xuân. Và nhờ làn gió hương này mà vẻ hào hoa, phong lưu, đa tình ẩn chứa trong con người Trụ Vương cứ như bày ra trước mắt khán giả. Hình ảnh ấy càng trở nên đẹp hơn khi phối cùng với cảnh ở vế hát sau: Kiều mai tuyết điểm động đào mây giăng. Cây cầu mai điểm tuyết lại sánh cùng động đào nguyên với mây giăng phủ - cảnh xuân lại càng thêm xuân. Khi sử dụng hình ảnh gió hương và động đào nguyên, phải chăng Đào Tấn muốn truyền tải đến khán giả thông điệp ngầm về sự tàn lụi tất yếu của nhà Thương sau này mà nguyên nhân chính là bởi chất phong lưu đa tình của Trụ Vương. Đây chính là tứ mà tác giả muốn gửi gắm trong câu hát.
 Mặc dù câu hát nam của Trụ Vương ở trên đã là tuyệt bút về mùa xuân nhưng cũng thật thiếu sót nếu như chúng ta không nhắc tới hai câu hát tiếp theo:
Tam xuân thoại khí thanh hoàng lộ
Nhất đóa hồng vân điện bửu luân
(Gió xuân trải bước dặm trường
Mây hồng rọi lối đưa đường xe đi)
Khang cù tiếng hát vang ngân
Xiêm Nghiêu thong thả chín tầng vỗ an
Trước sự xuất hiện của đấng thiên tử hào hoa, phong nhã thì hoa xuân trải lối, cỏ biếc đón đường dường như chưa đủ, vì thế mà khí xuân và mây hồng cũng sum họp chung vui. Không khí của mùa xuân trong câu hát khách Tam xuân thoại khí thanh hoàng lộ giống như phép nhiệm mầu cứ lan tỏa ra làm cho không gian trở nên trong lành và thuần khiết hơn để đón Nhất đóa hồng vân điện bửu luân. Trong khung cảnh nên thơ ấy làm sao có thể thiếu lời ca tiếng hát của con người: Khang cù tiếng hát vang ngân/ Xiêm Nghiêu thong thả chín tầng vỗ an. Không gian mùa xuân dường như lắng đọng lại nơi đoạn đường xe loan lăn bánh. Hình ảnh xiêm Nghiêu và vẻ đẹp hài hòa tuyệt mỹ của mùa xuân ở trên chính là cảnh thái bình thịnh trị của nhà Thương trước sự kiện Trụ Vương mạo phạm thiên nhan của thần Nữ Oa.

cham 048


                                                                               Cảnh vở tuồng "Phong thần"

 Đào sâu tìm hiểu về đoạn kịch trên, chúng ta thấy chất xuân còn được tác giả gài cả trong thủ pháp viết kịch. Hai làn điệu hát nam và hát khách được bố trí xen kẽ nhau khá nhịp nhàng theo tuần tự bá quan hát khách xong lại đến Trụ Vương hát nam. Đây hẳn cũng là dụng ý nghệ thuật của Đào tiên sinh. Bởi lẽ làn điệu hát khách thường có tính chất nghiêm trang, còn hát nam lại ngọt ngào, lả lơi, phóng túng. Đó phải chăng là dụng ý nghệ thuật mà tác giả muốn gửi gắm? Bá quan bổn phận cần phải nghiêm trang, Trụ Vương có thể được quyền phóng túng. Tôi thần càng thể hiện sự nghiêm chỉnh bao nhiêu thì quân vương càng phóng túng bấy nhiêu. Vậy là thượng đã nảy mầm bất chính thì làm sao hạ không loạn. Giang san nhà Thương suy tàn cũng là điều dễ hiểu. Đây chính là cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật soạn tuồng của Đào Tấn. 
 Tuy trong Trầm hương các không có nhiều đoạn nói về mùa xuân nhưng hương xuân xuất hiện ở phần đầu lại có sức lan tỏa rất lớn đối với hướng đi của toàn bộ tác phẩm. Đó là sự sáng tạo độc đáo của Đào Tấn. Cũng chính vì vậy mà những: nhà Thương, Trụ Vương hay Đát Kỷ,… cũng chỉ là cái tên - cái vỏ Đào Tấn mượn để gửi gắm lòng mình giống như câu nói mà sinh thời ông rất tâm đắc: Màu lam rút ra từ màu chàm nhưng vẫn đẹp hơn màu chàm rất nhiều vậy.
           

Tác giả bài viết: Bài: Công Phượng; Ảnh: Tư liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây