HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TUỒNG HIỆN ĐẠI
Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Tư liệu
2023-12-28T03:33:00-05:00
2023-12-28T03:33:00-05:00
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/hinh-tuong-nguoi-phu-nu-trong-tuong-hien-dai-218.html
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/news/2023_12/anh-vo-coi-nguon.jpg
Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ năm - 28/12/2023 03:20
Nối tiếp hình tượng người phụ nữ trong tuồng cổ “trung trinh tiết liệt” vừa anh hùng, đầy dũng khí khi triều có biến vừa đảm ngoan, hiền từ những lúc bình thường như Nguyệt Hạo, Đổng Mẫu (tuồng Sơn Hậu), Mai Hương, Mai Xuân (tuồng Triệu Đình Long), Lan Anh ( tuồng Hộ Sanh Đàn)… Nhân vật nữ trong tuồng hiện đại ngoài mang đầy đủ những phẩm chất đáng quý ấy còn ẩn chứa những đức tính hiếm có của người phụ nữ Việt Nam. Đó là lòng nhân ái, vị tha và đức hy sinh cao cả... Tiêu biểu là các nhân vật như chị Lan trong “tuồng Cờ giải phóng”, chị Ngộ (tuồng Chị Ngộ), bà Sáu Bình (tuồng Cội nguồn) ... Chị Lan là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam cùng khổ được Đảng và Cách mạng giác ngộ trở thành một chiến sĩ giải phóng quân. Hình mẫu ấy đến năm 1952 lại được phát triển cao hơn, đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn đối với nhân vật chị Ngộ. Đây là vai tuồng hiện đại đầu tiên thể hiện con người mới, cuộc sống mới và mang tính mẫu mực của sân khấu Tuồng. Chị Ngộ trong vở tuồng cùng tên dù chịu bao khổ đau, mất mát, ly tán gia đình, chồng con:
“Vợ mất chồng thù oán ghi xương
Con lạc mẹ sầu đau nát ruột”
Nhưng chị vẫn anh dũng vượt qua giông tố cuộc đời, một lòng hướng theo ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Vai chị Ngộ đã được các thế hệ nghệ sĩ như NSND Ngô Thị Liễu, NSND Hòa Bình…thể hiện rất thành công ở nhiều nơi, được bộ đội, nhân dân gọi bằng cái tên yêu mến “Chị Ngộ”. Đặc biệt vở diễn “Chị Ngộ” - tác giả Nguyễn Lai đã có dịp trình diễn ở Thủ đô cho Bác và Trung ương Đảng xem.
Chị Ngộ là vai diễn chính, có nhiều tình tiết xúc động, gần gũi với cuộc sống, ca ngợi đức hy sinh và cống hiến của người phụ nữ trong chiến tranh. Chị đã phải xa đứa con thơ bé bỏng đang khát sữa mẹ và nén nỗi đau mất chồng (đã bị bọn việt gian và quân xâm lược giết chết) để làm nội ứng giúp Việt Minh chống lại quân giặc.
Hay trường hợp bà Sáu Bình (NSND Hòa Bình thủ vai) trong vở tuồng “Cội nguồn” của tác giả Lê Duy Hạnh vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng trong vụ thảm sát Bình An (Tây Sơn - Bình Định) đẫm máu. Bà là hiền thân của người vợ, người mẹ chịu bao đau đớn, thiệt thòi của chiến tranh phi nghĩa nhưng giàu lòng nhân ái, vị tha. Tâm hồn bà mang nỗi đau đã hằn sâu trong ký ức của cả dân tộc và thời đại về tội ác dã man, mất nhân tính của những tên lính Đại Hàn đánh thuê cho quân xâm lược Mỹ khiến “cả ngàn dân làng, máu tuôn thành suối”chỉ còn lại một mình bà.
NSND Hoà Bình (áo xanh đậm) vào vai bà Sáu Bình trong vở "Cội nguồn"
Tuy vậy, các thế hệ con, cháu bà là “những gương mặt thanh xuân không gợn chút oán thù” đang bước lên nhịp cầu hội nhập nên bà phải thay đổi tư duy, không thể mãi “thủy chung cùng quá khứ”. Vì thế, bà đã chọn lối ứng xử nhân văn để con cháu bà “hướng về tương lai mà lòng không vướng bận”:
“Hỡi dân làng trong đêm thảm sát
Tôi đã thề không đội chung trời
Với những kẻ gây nên tội ác
Nhưng sự thế bây giờ đã khác
…………………………………
Mọi người hãy thắp lên ngọn lửa
Ngọn lửa của lòng nhân ái bao dung
Để nhân loại đi lên cùng reo vui khúc hát
Khúc hát yêu thương, khúc hát tình người”
Có thể nói, người phụ nữ Việt Nam dù trong mọi thời đại: Cổ - Trung hay Cận - Hiện đều luôn “sáng bừng lên” những phẩm chất cao quý như Bác đã từng trao tặng chị em 08 chữ vàng: “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Nhưng tùy từng thời điểm và hoàn cảnh lịch sử khác nhau mà những phẩm chất ấy có điều kiện để thể hiện và trổi dậy mãnh mẽ. Kể từ khi Hậu tổ tuồng Đào Tấn đưa quan niệm mới vào sân khấu Tuồng là đề cao phụ nữ thì Tuồng trở thành “mãnh đất tốt” để vị thế, vai trò của người phụ nữ được coi trọng, đề cao và nêu gương. Đối với tuồng hiện đại, hình ảnh người phụ nữ ngày càng được chú trọng, tô điểm thêm với nhiều màu sắc rất đa dạng. Trong một số vở diễn, họ còn trở thành nhân vật trung tâm, hội tụ đủ những phẩm hạnh đáng quý.
Tác giả bài viết: Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Tư liệu