Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Địnhhttp://nhahatntttbinhdinh.com.vn/uploads/lk4.png
Thứ ba - 21/12/2021 20:48
Nghệ thuật Tuồng vốn được coi là viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam với tư cách là bộ môn nghệ thuật bác học, cổ điển và đặc sắc. Địa danh Bình Định được biết đến không chỉ là vùng “đất Võ trời Văn” mà còn là “kinh đô” của nghệ thuật hát Bội. Những giá trị độc đáo của nó đã “neo lại” trong lòng nhân dân bao thế hệ với những câu ca dao, tục ngữ được lưu truyền như: “Nghe đánh trống chiến không khiến cũng đi Nghe dục trống chầu đâm đầu mà chạy” Hay “Hát Bội làm tội người ta Đàn ông bỏ vợ đàn bà bỏ con” Tuồng được hình thành từ khá sớm. Trên cơ sở nền Nghệ thuật ca - múa - nhạc và trò diễn phát triển, bộ môn Nghệ thuật sân khấu Tuồng đã manh nha hình thành từ thời Trần rồi phát triển dần lên và hưng thịnh dưới thời Nguyễn. Nghệ thuậtTuồng từ hình thái sinh hoạt dân gian được nâng lên thành hình thức sân khấu cung đình và bác học, được tạo dựng bởi công lao gìn giữ, lưu truyền và vun bồi của rất nhiều thế hệ nghệ sỹ tài danh, sự ngưỡng mộ của người xem, từ những quan chức đến đông đảo quần chúng nhân dân. Lịch sử nghệ thuật tuồng Bình Định gắn liền với tên tuổi của Tiền tổ Đào Duy Từ và Hậu tổ tuồng Đào Tấn. Mảnh đất “thượng võ tôn văn” này là nơi danh nhân Đào Duy Từ từng dừng chân và cũng là người “đặt nền móng” cho nghệ thuật tuồng Bình Định. Nơi đây cũng được xem là “cái nôi” của nghệ thuật hát Bội. Đặc biệt, người góp công lớn trong việc đưa nghệ thuật Tuồng phát triển đến đỉnh cao là nhà soạn Tuồng lỗi lạc Đào Tấn (quê ở làng Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước - tỉnh Bình Định). Ông không những đã soạn nhiều vở tuồng kinh điển mà còn lập ra Học bộ đình, làm thầy dạy Tuồng, dạy nhạc cho rất nhiều nghệ sĩ kế tục nổi danh. Đào tiên sinh còn là Nhà lý luận, phê bình xuất sắc, một Nhà đạo diễn và Nhà cách tân Tuồng lỗi lạc, xứng đáng là “cây đại thụ” của ngành Tuồng. Ông được đời sau tôn vinh làm Hậu tổ Nghệ thuật Tuồng, danh nhân Văn hóa của đất nước. Ra đời trên mảnh đất có truyền thống thượng võ nên nghệ thuật tuồng Bình Định mang nét đặc trưng riêng, khác biệt so với các vùng khác như tuồng cung đình Huế, tuồng Bắc hay hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh…. Đó là tuồng Bình Định mang bản sắc địa phương, thể hiện chất võ thuật rất mạnh mẽ, cuốn hút. Ngoài tiêu chí “nhất thanh”- hát hay của một diễn viên tuồng nói chung thì tuồng Bình Định còn chú trọng vũ đạo (múa). Người diễn viên muốn múa đẹp phải học võ. Võ thuật Bình Định đã được vận dụng nhuần nhuyễn, khéo léo trong hát Bội, tạo nên những động tác múa đẹp, hài hòa, khỏe khoắn và “tới bờ tới góc”, mang “thương hiệu” riêng của tuồng Bình Định. Đó cũng là thế mạnh của tuồng vùng đất Võ. Sự kết hợp, giao thoa giữa võ thuật và nghệ thuật đã góp phần đưa nghệ thuật tuồng phát triển đến đỉnh cao và tràn đầy sức sống qua nhiều thế kỷ.
Cảnh trong vở "Tam hạ nam đường"
Cách hóa trang mặt nạ nhân vật trong tuồng Bình Định cũng mang đặc trưng riêng so với các vùng, miền khác trên cả nước. Hầu hết các nghệ sỹ tuồng ở ba miền Bắc - Trung - Nam đều sử dụng các gam màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ để vẽ mặt nạ khi biểu diễn. Nhưng do ảnh hưởng từ văn hóa đặc trưng vùng miền nên mỗi nơi có cách thể hiện nét vẽ có thể khác nhau. Đối với mặt nạ tuồng Bình Định, có cách hóa trang công phu, đường nét sắc sảo và mang vẻ đẹp độc đáo, đậm chất tuồng. Tiêu biểu là nét vẽ chủ đạo trong hóa trang nhân vật tuồng Bình Định là kiểu mặt chim (khác với hát Bội Nam Bộ có cách hóa trang giống kiểu mặt thú…) bởi chỗ mũi của nhân vật giống như hai con chim đang châu đầu lại, mang hồn cốt, tính cách và sự tinh tế của người Việt. Một trong những yếu tố độc đáo nữa góp phần tạo nên nét đặc sắc của tuồng Bình Định là đôi hia. Nếu như hia tuồng của các đơn vị tuồng khác trong cả nước cũng là hia cong nhưng đế hia thường hơi bằng, độ cao chỉ khoảng 2- 3 phân, mũi hia hơi hất lên chứ không cong vút, thì hia tuồng Bình Định mang phong cách riêng: hia cao từ 5 phân trở lên, mặt tiếp xúc đất chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ ở giữa đế (chừng khoảng 2 phân), mũi hia cong vút như mũi thuyền. Hia trông chòng chềnh như chiếc sõng nhưng người nghệ sỹ khi đã “chinh phục” được nó rồi thì lướt nhẹ như không. Vì thế, hia Bình Định được giới chuyên môn đánh giá là hia “lanh”. Đối với những nghệ sỹ đi hia thành thạo thì nó là đạo cụ góp phần giúp cho vũ đạo của diễn viên khi biểu diễn linh hoạt, đẹp mắt hơn. Các động tác bê, lỉa, xiến, xoay… rất nhanh, lướt đẹp, do mặt tiếp xúc nhỏ (vì đi, đứng bằng gót). Khi dậm chân xuống sàn sân khấu gỗ tạo âm thanh ấm, vang nhờ chất liệu hia làm từ củ tre ngà. Nhờ đó, nghệ sỹ tuồng Bình Định được bạn nghề trong cả nước nể phục ở kỹ thuật đi hia và nghệ thuật biểu diễn hia đẹp, sắc sảo. Ngoài ra, ở Bình Định còn có khoảng hơn chục đoàn hát Bội không chuyên hiện đang hoạt động sôi nổi. Đó là những “nghệ sỹ chân đất” chưa từng qua trường lớp đào tạo bài bản nào mà chủ yếu được cha ông truyền lại bằng niềm đam mê hát Bội. Ban ngày, họ có thể là những người nông dân “chân lấm tay bùn”, nhưng ban đêm, họ lại hóa thân thành những vai diễn, sống cùng nhân vật và “cháy hết mình” với tình yêu nghệ thuật hát Bội khắp mọi nẻo quê. Đây cũng là nét đặc sắc của Tuồng Bình Định, luôn song hành bảo tồn và phát triển cả tuồng chuyên nghiệp và tuồng không chuyên. Vì thế, Tuồng không những hiện hữu trên sân khấu chuyên nghiệp mà còn trong các buổi phục vụ Chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của Tỉnh cũng như cả nước. Thông qua các Hội diễn, liên hoan, cuộc thi trên toàn quốc, Tuồng Bình Định đã khẳng định được thế mạnh, chỗ đứng của mình với những giải thưởng cao, xứng đáng là quê hương của Hậu tổ Tuồng Đào Tấn. Bình Định là trung tâm của nghệ thuật hát Bội và bộ môn này trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Trải qua những biến cố, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay, nghệ thuật Tuồng Bình Định vẫn được bảo tồn và phát triển. Tuồng vẫn còn giữ được bản sắc vốn có của nó và luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của công chúng khắp nơi. Tiếng trống Chầu của tuồng Bình Định đã có dịp vang xa trên đất khách: Ba Lan, Tiệp Khắc, Anh, Pháp, Liên Xô, Hàn Quốc… để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem cũng như bạn bè Quốc tế. Nằm ở trung tâm thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp có Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh (tiền thân là Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định) vừa được xây dựng mới, khang trang, là nơi giữ gìn và phát huy di sản của Bài chòi và Tuồng đồ sộ của Đào Tấn cũng như các nghệ sỹ tiền bối khác. Nơi đây cũng là “bảo tàng sống” về nghệ thuật Tuồng gần 70 năm qua. Trưởng thành từ cái nôi của nghệ thuật tuồng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định cũng như các đơn vị tuồng không chuyên trong Tỉnh vẫn không ngừng nổ lực phấn đấu duy trì, phát triển “đặc sản” của người dân xứ “Nẫu”. Nhờ đó, năm 2015, Bình Định vinh dự đón nhận “Bằng công nhận hát Bội Bình Định - trong đó có phong cách Tuồng Đào Tấn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Đó cũng là niềm tự hào của những người dân có niềm đam mê bất tử với nghệ thuật hát Bội ngay chính trên quê hương mình. Kế tục truyền thống và nhằm giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc của quê hương Bình Định, loại hình nghệ thuật sân khấu Tuồng vinh dự được biểu diễn phục vụ nhiều đồng chí lãnh đão Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và địa phương, nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Quy Nhơn - Bình Định. Đặc biệt, vốn là một bộ môn nghệ thuật sân khấu cổ truyền tiêu biểu của dân tộc nên nghệ thuật Tuồng từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu quan tâm, nhận xét: “Tuồng tốt đấy, đó là vốn quý của dân tộc nhưng cần phải cải tiến, không nên giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, chớ có gieo vừng ra ngô”. Lời căn dặn của Người trở thành “kim chỉ nam”đúng đắn trong việc bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Mảnh đất tuồng Bình Định với những thế mạnh đắc sắc của mình về vũ đạo, đạo cụ, hóa trang….cũng đã và đang phát triển nhưng không nằm ngoài định hướng đó.