1. Múa “Trình tường”
“Trình tường” là điệu múa sử dụng các động tác vũ đạo tuồng, múa đồng bộ, nhịp nhàng theo các tuyến ngang, dọc, xéo rồi cùng tạo hình khối đẹp mắt trên nền nhạc trầm bổng. Đến khi điệu múa gần đến hồi kết, tất cả cùng đứng trụ bộ, mỗi diễn viên trên tay cầm một câu liễn và tung ra câu chúc tụng chúc cho quốc thái dân an, muôn người ấm no, hạnh phúc.
Qua tiết mục múa “Trình tường”, quý vị có thể cảm nhận được nét độc đáo, đặc sắc về vũ đạo, hóa trang, phục trang của nghệ thuật Tuồng mà những giá trị độc đáo của nó đã “neo lại” trong lòng nhân dân qua nhiều thế kỷ.
Biểu diễn: Tập thể nam nữ diễn viên Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.
2. Múa “Vũ điệu Champa”
Mảnh đất Bình Định có truyền thống văn hóa lâu đời với các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, là những di sản văn hoá vô giá với dấu tích thành quách và nhữn ngọn tháp rêu phong đứng vững trước thử thách của thời gian. Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn tháp Chăm đẹp đến ngây ngất cùng những điệu múa Chăm đong đầy cảm xúc. Văn hóa Champa không những còn lại trên những ngọn tháp Chăm sừng sững mà còn được phục hiện qua điệu múa Chăm lung linh, huyền ảo.
Biên đạo: Thu Hương
Biểu diễn: Các nghệ sĩ: Trà Giang, Thuý Kiều, Hồ Điệp, Trần Vân, Hồng Diễm, Võ Nương.
Tiết mục múa “Vũ điệu Champa”
3. Tiết mục biểu diễn võ thuật
Bình Định được xem là cái nôi của Võ cổ truyền dân tộc, là nơi phát tích của các dòng võ, lò võ lớn nổi tiếng với những tuyệt kỹ võ thuật đặc trưng. Võ cổ truyền Bình Định được kết tinh của ba dòng võ Chămpa - Đại Việt và Trung Hoa. Với sự hòa quyện, đúc kết các tinh hoa võ học mang tính chọn lọc đã dần hình thành nên bản sắc riêng và được các thế hệ võ nhân lưu giữ, phát triển. Kế thừa những giá trị độc đáo của nền võ học lâu đời, nhiều năm qua, hoạt động Võ cổ truyền Bình Định đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Để Võ cổ truyền Bình Định được gìn giữ và phát huy, cần phải có chương trình khôi phục, bảo tồn và quảng bá Võ cổ truyền toàn diện; đồng thời cần nghiên cứu, chọn lọc để sử dụng, khai thác hiệu quả những giá trị đặc sắc phục vụ cho sự nghiệp thể thao, phát triển du lịch và văn hóa của tỉnh.
3.1. Tiết mục Đồng diễn Nạp mã môn cương – Tập thể nữ võ sinh Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định.
3.2. Tiết mục Trường phủ – Biểu diễn: Phạm Bảo Gia Hưng (Võ đường Phan Thọ).
3.3. Tiết mục Song chùy – Biểu diễn: Vũ Trần Minh Chiến (Võ đường Phan Thọ).
3.4. Đồng diễn Bán thiên kích – Võ đường Phan Thọ - Tây Sơn.

Tiết mục biểu diễn võ thuật
4. Ca kịch Bài chòi “Đêm Phú Xuân”, trích trong vở “Anh hùng với giai nhân”
Từ khi nàng công chúa khuê các xứ Bắc Hà - Ngọc Hân nên duyên cùng người anh hùng áo vải đất Tây Sơn - Nguyễn Huệ và theo chàng vào Phú Xuân định đô. Ở nơi đất khách quê người, bao nỗi nhớ nhung về quê hương, gia đình luôn thường trực trong tim Ngọc Hân. Nhưng nhờ tình yêu chân thành, nồng thắm giữa hai người đã vượt qua mọi ngăn cách về tuổi tác, không gian, thân thế và cả âm mưu không trong sáng của những thế lực chính trị thời Lê suy Trịnh nát, để vươn tới sự cao thượng và trở thành thiên diễm tình tuyệt đẹp, tiêu biểu trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Biểu diễn: Nghệ sĩ Bích Lĩnh trong vai Công chúa Ngọc Hân
Nghệ sĩ Phương Phú trong vai Nguyễn Huệ
NS Đỗ Xuân trong vai Lê Duy Chí
NS Duy Long trong vai quân báo
Tiết mục múa “Lên Tháp”
5. Múa “Lên Tháp”
Dân tộc Chăm có những lễ hội sôi động với những điệu múa đẹp lạ lùng, quyến rũ, ẩn chứa những hình tượng văn hóa độc đáo. Nét văn hóa Champa đã làm xao xuyến lòng người qua những điệu múa, lời ca u hoài, huyền ảo. Những điệu múa Chăm là những viên ngọc sáng trong kho tàng văn hoá Việt Nam. Ẩn sâu bên trong những điệu múa ấy, chúng ta có thể phần nào cảm nhận được tâm hồn đầy chất văn hóa Chăm, linh thiêng, huyền bí nhưng không kém phần lãng mạn, tuyệt mỹ.
Xin mời quý vị cùng thưởng thức tiết mục múa “Lên Tháp”
Âm nhạc: Nhạc sỹ Phú Quang
Biên đạo: NSND Đặng Hùng
Biểu diễn: Tốp nữ
6. Tiết mục biểu diễn võ thuật
Võ cổ truyền Bình Định là một di sản văn hóa phi vật thể, là bản sắc và nét đặc trưng văn hóa của một miền đất được danh là “Miền đất võ”. Võ Bình Định không chỉ là hình thức tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà còn là phương cách trau dồi tâm tính, đạo lý. Vì vậy, đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội của người dân Bình Định. Trong thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ các lò võ nhằm khôi phục những giá trị Võ cổ truyền của từng môn phái. Nhờ vậy, các lò võ đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, đã kích thích phong trào luyện tập và góp phần phát triển du lịch. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học về Võ cổ truyền cũng được các cấp, ngành quan tâm và bước đầu đã có kết quả nhất định. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, các công trình khoa học đã xây dựng được những luận cứ khoa học cơ bản, góp phần quan trọng đối với hoạt động bảo tồn những giá trị của Võ cổ truyền Bình Định. Với những đóng góp quan trọng, Võ cổ truyền Bình Định được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” cấp quốc gia; đồng thời, được nằm trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của Chính phủ về xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
6.1. Tam khúc côn – Biểu diễn : Lê Quốc Huy (CLB Tài năng trẻ)
6.2. Tiết mục Đồng diễn đao lăn khiên – Biểu diễn Thanh Phong, Thanh Thích, Quang Nhật, Phú Nhân, Quốc Kha ( Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định).
6.3. Tiết mục Song đao phá thạch – Biểu diễn Hồng Trang (Trung tâm VCT).
6.4. Tiết mục Tam đấu tay không chống binh khí – Nguyên Sơn, Tấn Triển, Xuân Huy.
6.5. Đồng diễn Thiết phiến - Biểu diễn Tập thể nữ võ sinh Trung tâm VTCT Bình Định
Tiết mục múa “Trúc xinh”
7. Múa “Trúc xinh”
Mang âm hưởng dân ca kết hợp với đương đại, múa “Trúc xinh” lấy cảm hứng từ hình tượng cây trúc gắn liền với hình ảnh xinh đẹp của người con gái Việt Nam qua câu cao dao:
“Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh”
Với các động tác múa giàu hình tượng, mềm mại, uyển chuyển đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người thưởng thức.
Biên đạo múa: Kim Tiển
Biểu diễn: NSƯT Thuỳ Dung và các nghệ sĩ: Trà Giang, Thuý Kiều, Trần Vân
8. Tiết mục biểu diễn võ thuật
8.1. Tiết mục Đồng diễn Lôi Long đao – Biểu diễn : Thanh Phong, Thanh Thích, Quang Nhật, Phú Nhân, Quốc Kha ( Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định).
8.2. Tiết mục Song cửu tiết tiên – Biểu diễn : Kim Chi (CLB Thành Huy – Phù Mỹ).
8.3. Tiết mục Siêu xung thiên – Biểu diễn : Nguyễn Thanh Phong (CLB Cao đẳng Bình Định).
8.4. Đồng diễn Song phượng kiếm – Tập thể nữ võ sinh Trung tâm VTCT Bình Định
Trích đoạn tuồng “Ôn Đình chém Tá”
9. Trích đoạn tuồng “Ôn Đình chém Tá”, trích trong vở tuồng cổ kinh điển “Sơn Hậu”.
Trên đường ở lại truy cản ba anh em nhà họ Tạ đuổi theo bạn mình là Đổng Kim Lân. Linh Tá đã dũng cảm giao tranh với quân giặc, nhưng một mình một ngựa làm sao có thể địch nổi thiên binh vạn mã của Tạ tặc. Linh Tá bị Tạ Ôn Đình dùng miếng “thoái thương lạc mã” lừa nên giục ngựa truy theo và bị gã chém rơi đầu. Tuy Linh Tá chết nhưng tinh thần bất khuất của người anh hùng không chết. Anh vẫn cố sức cầm cự và tháp lại đầu tiếp tục chiến đấu để cho Đổng Kim Lân chạy được xa đường.
Với những động tác biểu diễn đặc sắc trong Tuồng như bê, lỉa, xiến, lăn…. và sử dụng các thủ pháp ước lệ, cách điệu, tượng trưng đậm chất tuồng được thể hiện rõ nét trong trích đoạn “Ôn Đình chém Tá”, giúp người xem chiêm ngưỡng được những cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này.
Biểu diễn: Nghệ sĩ Thái Anh trong vai Ôn Đình
NSƯT Ngọc Nhân trong vai Linh Tá
NSƯT Đức Khanh trong vai Lôi Nhược
NSƯT Đức Thành trong vai Lôi Phong