CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH NGÀY 15. 4. 2023

Thứ tư - 12/04/2023 04:48
CHƯƠNG TRÌNH BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH NGÀY 15. 4. 2023
1.  Hát múa “Âm vang trống trận”
Cuộc hành quân thần tốc của đạo quân Tây Sơn do Quang Trung- Nguyễn Huệ dẫn đầu mùa xuân năm 1789, đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giành lại non sông đất nước. Nhịp trống hào hùng, tưng bừng rộn rã mãi mãi âm vang cùng quê hương, dân tộc Việt Nam. 
 Sáng tác Huỳnh Ngọc Anh
 Biểu diễn: Tốp nam nữ
2. Đơn ca nữ “Con cò”
 Hình tượng con cò trong văn hoá Việt Nam có ảnh hưởng sâu đậm trong tâm trí của người dân Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn. Con cò là một trong những động vật gắn bó với đồng ruộng làng quê, được phản ánh rất nhiều qua ca dao và dân ca, là hình ảnh đại diện cho thân phận của người phụ nữ nông thôn Việt Nam với tấm thân gầy guộc, khẳng khiu, lặn lội, tần tảo, giàu đức hy sinh, chịu thượng chịu khó vì những người mình yêu thương. Nhạc sỹ Lưu Hà An đã lấy hình ảnh con cò để viết nên ca khúc đầy xúc động.
Biểu diễn: Nghệ sỹ Minh Trang
 3. Biểu diễn võ thuật
Bình Định được mệnh danh là miền “đất võ – xứ văn chương”, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, nơi phát tích của triều đại nhà Tây Sơn. Với những chiến công hiển hách, lẫy lừng của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nơi đây vẫn mãi được lưu giữ bảo tồn và phát huy cao độ nét văn hóa độc đáo Võ cổ truyền Bình Định cho đến ngày nay.
Kết quả giải vô địch trẻ và thiếu niên toàn quốc năm 2022, tại tỉnh Đồng Nai cho thấy. Trong 32 đoàn tham gia, với tổng số 500 vận động viên tham dự với thành tích đoàn Bình Định đứng nhất toàn đoàn (tổng cộng 18 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ), Trong đó nội dung hội thi, Bình Định đã giành được 11 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, Bình Định là đơn vị có số HCV nhiều nhất Việt Nam. Để chuẩn bị cho giải trẻ sắp tới tháng 6 năm 2023, tại tỉnh Quảng Ngãi sắp tới, việc biểu diễn phục vụ du lịch, quảng bá kết hợp việc Ban huấn luyện đã và đang chuẩn bị tâm lý, trạng thái thi đấu tốt nhất trong đó sự tự tin, bản lĩnh trước đám đông của vận động viên là cốt yếu.
 3.1  Bài Lão Mai quyền – Biểu diễn Diệp Quốc Thắng HCV giải trẻ toàn quốc 2022
Lão mai quyền là một trong những bài quyền đặc trưng của Bình Định, phổ biến khá rộng rãi trong các làng võ ở Bình Định, với những yếu tố kỷ thuật, tạo nên hình nét vòng tròn trong thân pháp, bộ pháp, ra đòn nhanh mạnh, mềm dẻo khéo léo, các bộ tấn được sử dụng di chuyển vừa nhẹ nhàng vừa linh hoạt, như cội Mai già trước cơn gió lốc. Bài Lão mai quyền được tuyển chọn trong hội nghị chuyên môn võ cổ truyền Việt Nam năm 1994 làm bài qui định quốc gia, đưa vào hệ thống tập luyện và thi đấu trong toàn quốc.
Lão mai độc thọ nhất chi vinh
Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành
Tấn nhất đoản thối hồi lão khởi
Phi nhất thác hoàn thối thanh đình
Tàng nha hổ dương oai thiết trảo
Triển giác long tất lực lôi oanh
Lão hầu thoái tọa liên ba biến
Hồ điệp song phi lão bạng sanh
Nguyệt quật song câu lôi điển chấn
Vân tôn tam tảo hổ xà thành
3.2  Nạp mã môn cương – Biểu diễn Nguyễn Võ Tâm Hiên.
được trích trong quyển “Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp” do vị tổ Hư Minh biên soạn và truyền lại cho đến ngày nay. Bài quyền có 48 hành pháp liên hoàn có tính liên tục với nhau là sự kết hợp giữa thân pháp, thủ pháp và cước pháp. Lúc thì đánh nhu, lúc thì đánh cương, uyển chuyển mạnh mẽ.
Trì chưởng ngưu đầu, lan ô tử.        
Nạp mã kinh công, tấn long thần.
Quỳnh môn chiếu hậu, trùng hình pháp.
Giá vũ chiêu hồn, ức long xa.
Vọng bái Hư Minh tổ sư đài.

VÕ NHÍ

                                                                  Tiết mục biểu diễn võ thuật


3. 3 Lôi Long đao – Biểu diễn Lục Bùi Quốc Việt
Bắc sát kình phong, nam lôi thanh thế.
Thần đao đoạn kiếm, kiếm đoạn thương thần.
Trùng hình đoạn pháp, pháp đoạn hùng binh.
Lôi long lĩnh trảm, thiên địa tuần hoàn.
Vọng bái Hư Minh Tổ sư đài.
Do đô đốc Võ Văn Dũng Tự nghiên cứu chiêu thức soạn thành bài pháp này , tương truyền rằng đất Tây sơn địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp để đường Lôi Long đao được nhuần nhuyễn, Võ Văn Dũng thường tới Thạch Hồ ở Hầm Hô để ngày đêm luyện tập. Những thế đá trơn trượt, rêu phong, là điều kiện tốt để ông luyện tấn thêm vững chắc. Bài Lôi Long Đao có 66 hành pháp liên hoàn, Theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Ông soạn xong bài pháp này tại vùng đất Tây Sơn Hạ vào mùa thu năm Mậu Tý (1768)
4. Trích đoạn tuồng “Mạnh Lương bắt ngựa”, trích trong tuồng “Bắc Tống”
Để giải nguy cho chủ soái của mình là Dương Lục Sứ  đang bị giặc bao vây ở Song Long Cốc, Mạnh Lương đã về Biện Lương tìm gặp Bát Vương để mượn con ngựa hay - Vạn Lý Vân, nhưng Bát Vương nghi ngờ Mạnh Lương mượn ngựa với mục đích xấu nên không cho. Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, Mạnh Lương đành quay trở về nghề cũ - “ăn trộm ngựa” của Bát Vương để cứu chủ soái. Nhưng oái oăm thay, khi vào chuồng bắt ngựa, trời tối nên Mạnh Lương đã bắt nhầm con ngựa Thiên Lý Mã. Vừa đúng lúc Bát Vương mang con Vạn Lý Vân tới, anh đã lừa Bát Vương và xô ông ngã xuống lầy để lấy con ngựa tốt Vạn Lý Vân đi cứu Dương Lục Sứ và hứa sẽ trả lại cho Bát Vương Sau khi hoàn thành sứ mệnh.
Biểu diễn:  Nghệ sỹ  Tuấn Long vai Mạnh Lương
                   NSƯT Đức Khanh  vai Bát Vương
 5. Đơn ca nam “Hồ trên núi”
Ca khúc “Hồ trên núi” được nhạc sỹ Phó Đức Phương sáng tác vào năm 1971, lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế hồ thuỷ điện Cấm Sơn (Bắc Giang). Với ca từ giản dị được chuyển tải qua âm hưởng dân ca quan họ, “Hồ trên núi” đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng được nhiều thế hệ ca sỹ, người nghe nhạc yêu thích.
 Biểu diễn: Nghệ sỹ Thanh Trực
6. Tốp ca nữ “Quê hương tình yêu và tuổi trẻ”
“Gió chiều rung nhẹ bông lúa vàng, ...
Đồng quê ngát hương đang êm ru muôn âm thanh dịu dàng.
Nắng chiều tô đẹp đôi má hồng, ...
Người em mến thương gieo trong tôi muôn khúc nhạc vấn vương.
Ôi quê hương chốn đây tình yêu mãi dâng đầy.
Và nghe như trong con tim dội muôn tiếng hát”

Lời ca khúc đã góp phần tô thắm thêm bức tranh quê hương Việt Nam tươi đẹp luôn gắn với tình yêu và tuổi trẻ bao thế hệ.
Sáng tác: Nhạc sỹ Quốc Dũng
Biểu diễn: Tốp nữ

IMG 9506
                                                                                                    
                                                                               
Tiết mục tốp ca nữ

  7. Biểu diễn võ thuật
Tại những kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9, năm 2022. Môn võ cổ truyền Bình Định luôn đóng góp nhiều tấm huy chương quý giá, giúp thể thao Bình Định có được vị trí tương xứng trên bảng xếp hạng chung cuộc. Năm 2022, các VĐV thuộc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định tiếp tục phát huy truyền thống đó bằng những thành tích cực kỳ ấn tượng. Ở nội dung đối kháng BĐ giành được 2 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ. Ở nội dung hội thi, chúng ta có 5 VĐV tham gia tranh tài, giành được 4 HCV và 1 HCB. Kết quả này giúp đội tuyển võ cổ truyền Bình Định giành vị trí nhất toàn đoàn .Đây là kết quả rất tốt, cho thấy tầm nhìn và sự đầu tư đúng hướng của ngành Thể thao trong thời gian qua.
Sắp tới Giải cúp các câu lạc bộ và giải vô địch toàn quốc với  kế hoạch từ trước, các HLV, VĐV đều nỗ lực để hướng đến kết quả tốt nhất. Quãng thời gian gần 1 thập niên qua, đoàn Bình Định luôn giữ vị trí nhất toàn đoàn, nên ở giải lần này Bình Định đặt mục tiêu quyết tâm bảo vệ thành công ngôi đầu“Tại giải lần này, Bình Định tiếp tục sử dụng kết hợp cả những VĐV nhiều kinh nghiệm và các gương mặt trẻ. Thời gian qua, việc thường xuyên được tham gia biểu diễn ở các sự kiện giúp các em hoàn thiện kỹ năng chuyên môn và tự tin hơn. Bên cạnh việc chỉnh sửa những động tác cho thực sự chuẩn xác, những dịp này là điều kiện giúp VĐV rèn thể lực để đảm bảo biểu diễn nhuần nhuyễn, thần thái, đẹp mắt”.
 7.1 Đao lăn khiên – Biểu diễn : Lê Quang Nhật

Nhà Tây Sơn là vương triều được hình thành từ cuộc khởi nghĩa của những anh hùng áo vải xuất thân từ tầng lớp nông dân. Thế nên ở thời kỳ này đã có rất nhiều bài quyền, thế võ được sáng tạo từ những công cụ lao động hằng ngày như bồ cào, cuốc chỉa, câu liêm, thiết lĩnh… hoặc cải tiến từ những vũ khí đã có từ các thời kỳ trước đó. Lăn khiên là một loại vũ khí như thế, đã được nhân dân ta sử dụng chiến đấu từ rất lâu nhưng có lẽ đến thời kỳ nhà Tây Sơn thì loại vũ khí này mới bước vào giai đoạn rực rỡ nhất. Bài có 48 hành pháp liên hoàn , theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lập. Điểm mạnh của bài Lăng Khiên là chuyên đánh cận chiến dùng cho bộ binh thời Tây sơn, ngoài ra lăng khiên còn phòng thủ từ xa dùng để đỡ cung tên khi xung trận
7.2 Song cửu tiết tiên - Biểu diễn: Nguyễn Kim Chi
Thuộc vũ khí mềm. Do 9 khúc thép nhỏ tròn nối lại với nhau và mỗi khúc có  độ dài từ 9-13cm tạo thành. Giữa mối khúc đường dùng vòng sắt nhỏ nối lại với nhau. Phía đầu của mỗi khúc được gắn 2 vòng tròn bằng thép lớn, khúc thứ nhất gọi là đầu Tiên, khúc cuối cùng gọi là chuôi Tiên. Tua màu gắn trên Tiên không được dài quá 20 cm  và không được gắn bất cứ vật dụng gì khác. Dây xích là nhuyễn tiên trong Võ cổ truyền, do đầu tiêu, tay nắm, một số đốt sắt, vòng sắt tròn nối lại với nhau mà thành. Nhuyễn tiên có thể đánh, quật, móc, khóa, trói… bởi độ khó cáo nên tại Bình Định, nhuyễn tiên được hướng dẫn cho các vđv chuyên nghiệp tập luyện và thi đấu toàn quốc mang về nhiều tấm huy chương danh giá cho tỉnh nhà.
7.3 Đồng diễn quyền thuật - Biểu diễn câu lạc bộ VCT Hoa Hướng Dương
Trong những năm trở lại đây phong trào tập luyện võ cổ truyền lan rộng đến quần chúng nhân dân từ thiếu nhi, thanh thiếu niên, đến các cụ già. Bình Định đã và đang trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng khi nghe đến vùng đất “ai ai cũng biết võ” từ cụ già cho đến trẻ nhỏ. Võ cổ truyền đã thấm sâu vào máu thịt của người dân Bình Định. Những động tác võ được biến đổi uyển chuyển, nhẹ nhàng cho phù hợp với độ tuổi 50 trở lên nhưng cũng không thiếu phần dũng khí được các cụ, các cô trong địa bàn thành phố Quy Nhơn tập luyện hăng say và ngày càng đông đảo người lớn tuổi tham gia. Với nhiều lợi ích về sức khoẻ, và đây đã trở thành món ăn tinh thần của người dân đặc biệt nơi đây.
 Bài Hùng kê quyền
Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như Bạch Hổ
Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long
Xuyên cung độc triểu tăng ư trác
Hồi thủ đơn câu thọ tứ hùng
Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ
Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung
Bài Hùng kê quyền do Nguyễn Lữ biên soạn, trong ba anh em nhà Tây sơn, Nguyễn Lữ là em thứ ba. Vốn người mảnh khảnh, tánh nết hiền hòa, thích văn hơn võ. Tuy nhiên , ông cũng học được nhiều môn võ và chuyên về môn “Miên quyền”. Vốn mê xem gà đá, Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm, nghiên cứu các thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn, các thế lặn hụp, tránh  né, xỏ vỉa, đâm sường, của con gà nhỏ. Để rồi tạo ra thế phản công, đá bại con gà lớn. Từ đó ông rút ra các yếu tố kỷ thuật sáng tạo nên bài Hùng Kê quyền, rất phù hợp với tầm vóc và lối đánh của người Việt Nam: “Yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều”.
Võ cổ truyền đưa vào trường học: Thái Sơn côn
Đây là nội dung của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 4775 ngày 16/9/2015 chỉ đạo các trường học trong cả nước cùng triển khai để thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng chính phủ tại Công văn số 6311 ngày 11/8/2015 về việc triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, và ngoại khóa, các bài võ cổ truyền được đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương từ năm học 2015 – 2016 cho đến nay . Thái Sơn côn – hay tên thường gọi là “võ roi” được các giáo viên thể dục học tập và đưa vào giảng dạy tại các trường.
Song phượng kiếm
Bài Song phượng kiếm do Đô đốc Bùi Thị Xuân tự nghiên cứu chiêu thức mà soạn thành bài pháp này, trong thời kỳ bà huấn luyện đội tượng binh ở vùng đất Tây Sơn thượng. Theo lưu truyền buổi tập nào Bà cũng thấy một đôi chim phượng đậu trên cành cây đùa nhau, bay lượn xem bà tập, từ đó hằng đêm Bà mô phỏng những động tác bay lượn đùa nhau của đôi chim phượng, Bà soạnlôi long  nên bài pháp này, và sau đó truyền dạy xuống cho 5 người con gái là “Ngũ phụng tiên” theo bà đánh giặc, bài có tầm sát pháp rất cao. Bà soạn xong bài pháp này là ngày 20 tháng 12 năm Canh Dần (1770).

THIÊN TƯỜNG QUA ĐÈO

                                                 Trích đoạn Tuồng "Thiên Tường qua đèo"


 8. Trích đoạn “Thiên Tường qua đèo” trích từ vở tuồng tiểu thuyết “Tam hùng kiệt”.
 Triều đình rơi vào tình trạng rối ren, gian thần lộng hành. Hai anh em trung thần Thiên Tường và Vạn An bị thất lạc. Vợ của Thiên Tường là công chúa Kim Hương trên đường chạy loạn đã bị gian tặc Diệm Thiên Hùng truy bắt và giết chết. Với tình nghĩa vợ chồng yêu thương, nồng ấm và tấm lòng vì giang sơn, xã tắc, nàng đã hoá thành ngọn đuốc đưa đường cho chồng mình vượt qua núi non hiểm trở để thoát nạn và có cơ hội lập mưu diệt giặc.
Biểu diễn:   Nghệ sỹ Đức Thành vai Thiên Tường
                   Nghệ sỹ  Thu Thẳm vai hồn công chúa Thiên Hương
                  

Tác giả bài viết: Bài: Duy Linh- Thuý Hường; Ảnh: Công Phượng, Nhật Hạ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây