"CHỖ ĐỨNG" CỦA CÁC VỞ DIỄN ĐỀ TÀI LỊCH SỬ TRÊN SÂN KHẤU TUỒNG, BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH

Thứ hai - 25/12/2023 03:02
Trong mấy thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, hầu hết chương trình kịch mục của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh nói riêng và các Đoàn Tuồng Bình Định nói chung chủ yếu diễn các vở tuồng tiểu thuyết và thỉnh thoảng là tuồng cổ, còn rất hiếm khi diễn các vở tuồng lịch sử trên vùng “đất võ - xứ văn chương”. Ca kịch Bài chòi cũng không ngoại lệ, chủ yếu biểu diễn các vở đề tài dân gian, hiện đại….
Các vở tuồng lịch sử như “Bông Mai đỏ”- nói về người anh hùng của quê hương Bình Định Mai Xuân Thưởng; “Quan khiên võng” kể về bậc quốc sỹ Lê Đại Cang;Trời Nam”, “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Đêm sáng phương Nam”, “Tây Sơn tụ nghĩa”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”, …đều đề cập đến người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với những chiến công lẫy lừng - niềm tự hào của người dân xứ Nẫu nhưng ít khi được biểu diễn rộng rãi trên địa bàn tỉnh nhà nên chưa có “chỗ đứng” vững chắc trong lòng người hâm mộ.
QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN THAN


                                                   Cảnh vở tuồng "Quang Trung đại phá quân Thanh"

Trong khi đó, thực tế cho thấy, vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, hầu hết các vở tuồng lịch sử của Đoàn tuồng Liên khu V- Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình (Nay là Đoàn Tuồng Đào Tấn) như “Trần Bình Trọng”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”, “Lam Sơn khởi nghĩa”, “Trưng Nữ vương”, …là những vở diễn một thời làm nên tên tuổi của đơn vị trong các kỳ Liên hoan, Hội diễn mỗi khi đem đi lưu diễn rất được công chúng khắp nơi đón nhận và thường được diễn với “tần suất” lớn.
Hiện nay, các vở tuồng, bài chòi đề tài lịch sử luôn được chú trọng, đầu tư công phu, phần lớn được chọn làm tiết mục tham dự các kỳ Liên hoan, Hội diễn hằng năm và cũng thường giành các giải thưởng cao quý như:  “Sao Khuê trời Việt”, “Sáng mãi niềm tin”, “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”(Tuồng); “Khúc ca bi tráng”, “Chói rạng sơn hà”, “Cô thần” (Bài chòi)…. nhưng hiếm khi được “trưng diện” biểu diễn phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh. Thực trạng ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.
cô thần 2 Copy


                                                               Cảnh vở ca kịch bài chòi "Cô thần"

Thứ nhất, các vở diễn đề tài lịch sử thường được đầu tư dàn dựng hoành tránh, công phu, cần không gian sân khấu rộng với nhiều màn, lớp phù hợp với bối cảnh lịch sử của từng vở diễn. Thế nhưng, khi diễn các vở đề tài lịch sử, đơn vị gặp không ít khó khăn về điều kiện sân khấu, trang thiết bị biểu diễn, lực lượng biểu diễn: bục bệ kém chất lượng, sân khấu chật hẹp, lực lượng đông, di chuyển đồ đạc cồng kềnh, phức tạp, xe vận chuyển hạn chế về không gian, đường xá đi lại khó khăn… Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa tại địa phương thiếu thốn nhiều mặt, không đủ để phục vụ tốt cho diễn các vở đề tài lịch sử đảm bảo về mặt chất lượng nghệ thuật.
Thứ nữa là xuất phát từ nguồn gốc lịch sử vùng miền, tâm lý chung của người dân miền Nam thường thích xem những vở tuồng tiểu thuyết mang tính giải trí, vui vẻ, thiên về tình yêu mượt mà, ướt át và mang hơi thở của cuộc sống đời thường.
Thêm vào đó, các vở diễn đề tài lịch sử nói riêng và các đề tài khác nói chung của sân khấu truyền thống ít được biểu diễn không nằm ngoài xu thế chung của nền Văn học - Nghệ thuật nước nhà: hiện nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống đang gặp khó khăn trong tiếp cận, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ. Vì thế, làm sao để công chúng không “quay lưng” với Tuồng, Bài Chòi…. là cả một ‘chiến lược” lâu dài và khoa học.
Nên chăng, cần có sự chung tay, góp sức của các sở, ban, ngành liên quan; tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của các nghệ sỹ làm nghề. Đồng thời là sự “đồng hành” của khán giả mộ điệu để đưa các vở diễn đề tài lịch sử “đứng” đúng vị trí vốn có của nó và xứng tầm là vùng đất có các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Bình Định.
                                     

Tác giả bài viết: Bài: Nhật Hạ, Ảnh: Hoàng Dũng, Công Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây