BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT KẾT HỢP VỚI VÕ THUẬT TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH VÀO NGÀY 04.11.2022

Thứ sáu - 04/11/2022 03:23
BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT KẾT HỢP VỚI  VÕ THUẬT TẠI QUẢNG TRƯỜNG NGUYỄN TẤT THÀNH VÀO NGÀY 04.11.2022
Thực hiện kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định về việc tổ chức các hoạt động văn hoá và thể thao tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định biểu diễn chương trình nghệ thuật tạp kỹ vào ngày 04.11.2022, cụ thể các tiết mục như sau:
1. Hát múa “Mùa xuân âm vang thần tốc ”
Tiết mục mang hào khí của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ mùa xuân năm ấy tiến quân ra Bắc, đánh tan quân xâm lược với khí thế thần tốc và giành chiến thắng lẫy lừng vào dựng xây cuộc sống mới hôm nay. Đó là thần tốc vươn lên xây bao công trình, góp phần làm đẹp cho quê hương, đất nước để chào đón mùa xuân, chào năm mới và chào ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
Hát múa “Mùa xuân âm vang thần tốc” kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát và múa của các diễn viên tạo không khí hào hùng, vui tươi, phấn khởi trong mùa xuân năm mới.
Biểu diễn: - Hát: các nghệ sỹ Duy Long, Anh Tuấn, Chí Cường, Lê Tuyền, Hồng Diễm; - Múa:  các nghệ sỹ Kim Tiển, Thuý Vân, Trà Giang, Thuý Kiều, Võ Nương, Bích Lĩnh, Nhị Hảo.
2. Đơn ca namBình Định đất biển chung tình” 
Bình Định không chỉ là miền “đất Võ” có bề dày lịch sử văn hóa và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp; là quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ và là “thủ phủ” của hai bộ môn nghệ thuật truyền thống Tuồng và Bài chòi độc đáo, đặc sắc mà còn được thiên nhiên ban tặng với thế mạnh về kinh tế biển; bên cạnh mang lại nguồn hải sản phong phú, dồi dào còn ẩn chứa tình đất, tình người rộng lớn, thuỷ chung. Lời của ca khúc thấm đẫm tấm chân tình, chất phác, cởi mở mang dấu ấn đậm nét của người dân Bình Định.
Biểu diễn: nghệ sỹ Chí Cường.

3. Biểu diễn võ thuật cổ truyền
Cùng với hát Bội, Bài chòi, Võ cổ truyền Bình Định đã ăn sâu vào trong máu thịt của mỗi người dân Bình Định. Trải qua hàng trăm năm kế thừa và phát triển, võ cổ truyền Bình Định trở thành một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đến nay, Võ cổ truyền Bình Định đã lan tỏa đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
             Bình Định được mệnh danh là miền đất võ xứ văn chương, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, là nơi phát tích của phong trào Tây Sơn với bao chiến công hiển hách, lập nên những trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Mời quý vị cùng sống lại những chặng đường lịch sử hào hùng qua các tiết mục Võ cổ truyền do các Võ sinh Trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Định thực hiện.
3. 1 Mở đầu là tiết mục đồng diễn U linh thương do các Võ sinh (Thanh Phong, Hoàng Nam, Quốc kha)
Bài U linh thương Do Vua Lý Công Uẩn biên soạn, giai thoại kể rằng : Lý Công Uẩn lên ngôi giữa lúc những thế lực phản loạn nổi lên khắp nơi, nhà vua nhiều phen phải thân chinh đi dẹp loạn. Ông nhận thấy địa thế núi rừng thâm u tịch mịch, trận đồ thường được bố trí vào lúc chạn vạng tối, nên rất khó cho binh lính sử dụng binh khí thông thường. Từ đấy ông sáng tạo ra bài pháp U Linh Thương, Ông gom các chiêu thức từ nhiều chiến trận mà hợp thành bài pháp này, với những chiêu thức liên hoàn, loạn mã tung thương rất sắc bén và ông truyền dạy cho binh sĩ theo ông đánh giặc. Sau đây xin kinh mời quí cùng thưởng thức tiết mục U Linh Thương.
                                   U LINH THƯƠNG
“Sa la” thành tẩu mã
Hô lục tướng
Thúc “Sa La” thành thất phược binh
Đằng đằng khí trận
Loạn mã tung thương
Khốc lược truy hình
Phong linh ảnh địa
DỊCH NGHĨA :
Thành “Sa La” ngựa phi nhốn nháo

Phất cờ hiệu, sáu mặt dồn binh
Thành “Sa La” vây làm bảy bận
Khí trận truyền khiếp nhược tình quân
Người - ngựa, dày nhau cơn bão giáo
Tìm đường thoát nạn, địch theo chân
Ngã tối,chiêng khua bày đất trận
3.2 Tiết mục: Song cửu tiết tiên – Biểu diễn : Kim Chi (Tiết mục đạt HCV Giải cúp vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2022).
Bài Song cửu tiết tiên có độ khó cao, người tập luyện phải trải qua quá trình rèn giũa chì mài liên tục, 2 tay nắm dây xích linh hoạt và một số khớp nối bằng thép được kết nối thông qua các miếng thép, Binh khí Nhuyễn Tiên được chia thành nhiều loại: 7 đốt, 9 đốt, 13 đốt. Loại chúng ta đang tận mắt chứng kiến đó là “ Cửu Tiết Tiên – 9 đốt’. Khi sử dụng có thể ngắn có thể dài. Phương pháp chiến đấu và luyện tập gồm có: Xoay tròn, quét, treo, ném, múa ( hoa) và nằm đánh.
3.3.Thái Sơn côn – Biểu diễn: Thúy Vy
Thái Sơn côn là một bài Roi chiến rất nổi tiếng trong các làng võ Bình Định, sử dụng côn pháp lấy những yếu tố kỷ thuật của một số loài vật làm căn cơ, mô phỏng động tác của Rắn, kỳ Lân, Tê giác, Thỏ, Mèo, Gà, Trâu, Hổ. Đây là những điểm hiếm thấy trong các bài võ cổ truyền Việt Nam. Do tổng hợp sức mạnh và động tác của nhiều loài thú nên bài Roi Thái sơn hết sức biến ảo. Lúc tấn công thì ra đòn mạnh mẽ, lúc lui về thế thủ thì nhẹ nhàng, linh hoạt né tránh, để rồi từ thế thủ, chuyển sang thế tấn công. Bài Roi Thái Sơn được tuyển chọn trong hội nghị chuyên môn võ cổ truyền Việt Nam năm 1993 làm bài qui định quốc gia đưa vào hệ thống tập luyện và thi đấu trong toàn quốc.
Thái sơn trích thuỷ, địa xà liên
Thương thượng lộng ky, lân thối bạch viên
Huy ky độc giác, trung bình hạ
Thượng thích đại đăng, tấn thừa thiên
Hồi đầu trực chỉ, liên tam thích
Đồng tân thuận thế, giáng vân biên
Tẩu độc thố, trưng sơn, hoành giáng kiếm
Linh miêu mai phục, tấn thích ngưu
Thừa châu bố địa, khai côn thích
Hồi tiểu kim kê, đả trung lang
Phi phong tẩu võ, khai ngưu giác
Tiểu tử tam phiền, giá mã an
Bái tổ sư lập như tiền                                                                                                                                                                               TIẾT MỤC MÚA CHĂM (2)                                                               
                                                                 Tiết mục múa "Vũ điệu Chămpa"                                                                                              

4. Song ca “Tình ta biển bạc đồng xanh
          Là ca khúc mang hình ảnh thân thuộc của vùng đất miền Trung đầy nắng và gió. Lời của ca khúc giúp chúng ta nhớ về những giai điệu dịu ngọt, mượt mà, tràn đầy chất thơ của tình yêu lứa đôi được lồng trong sự thắm thiết mà giản dị của tình yêu quê hương, đất nước.
          Nhạc sỹ tài hoa Hoàng Sông Hương đã viết cho “cuộc đời” một ca khúc mà đến tận bây giờ nó vẫn là một trong những tác phẩm có sức sống lâu bền nhất trong nhân dân.
Biểu diễn: Duy Long - Lê Tuyền

5. Múa “Vũ điệu Chămpa”
           Mảnh đất Bình Định có truyền thống văn hóa lâu đời với các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, là những di sản văn hoá vô giá với dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong đứng vững trước thử thách của thời gian. Ai đã một lần đến Bình Định sẽ nhớ mãi những ngọn tháp Chăm đẹp đến ngây ngất cùng những điệu múa Chăm đong đầy cảm xúc. Văn hóa Chămpa không những còn lại trên những ngọn tháp Chăm sừng sững mà còn được phục hiện qua điệu múa Chăm lung linh, huyền ảo.
          Biên đạo: Thu Hương
Biểu diễn: Các nghệ sỹ Kim Tiển, Trà Giang, Thuý Kiều, Thuý Vân, Nhị Hảo, Hồ Điệp

6. Hoạt cảnh “Đường ra phía trước”
Là hình ảnh cô du kích làm nghề lái đò trên sông Lại Giang với nhiệm vụ đưa bộ đội Cụ Hồ qua sông hàng ngày để tiến về phía trước, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Màn đối đáp, tâm sự giữa anh bộ đội sau khi bị thương đã lỡ chuyến đò cùng động đội và cô lái đò dũng cảm, can trường thật xúc động, ấm áp tình quân dân, tình đồng chí. Mỗi người đều phải gác lại tình riêng để cùng nhau hướng về phía trước, hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Bác, với non sông Việt Nam trong thời khắc lịch sử quan trọng ấy.
Hoạt cảnh “Đường ra phía trước” sự dụng nhiều làn điệu mang âm hưởng của Dân ca khu V như: hò hê, hò khoan… tạo cảm giác gần gũi, quen thuộc với người xem hôm nay.
Sáng tác: Cố NSƯT Phan Ngạn.
Biểu diễn:  Các nghệ sỹ Thành Việt, Hồng Diễm

7. Múa “Trúc xinh”
          Mang âm hưởng dân ca kết hợp với đương đại, múa “Trúc xinh”  lấy cảm hứng từ hình tượng cây trúc gắn liền với hình ảnh xinh đẹp của người con gái Việt Nam qua câu cao dao:
                             “Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
                             Em xinh em đứng một mình cũng xinh”.
           Với các động tác múa giàu hình tượng, mềm mại, uyển chuyển đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người thưởng thức.
          Biên đạo múa:  Kim Tiển
          Biểu diễn: các nghệ sỹ Kim Tiển, Trà Giang, Thuý Kiều, Thuý Vân, Nhuỵ Hảo, Hoài Thương.

7
                                      
                                                           Tiết mục múa "Trúc xinh"


8. Biểu diễn võ thuật cổ truyền với các tiết mục:
8.1. Đồng diễn Lôi Long đao - Biểu diễn: Quang Nhật, Phương Hoàng, Quốc Việt.
Bài Lôi long đao Do đô đốc Võ Văn Dũng tự nghiên cứu chiêu thức soạn thành bài pháp này, tương truyền rằng đất Tây sơn địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp để đường Lôi Long đao được nhuần nhuyễn, Võ Văn Dũng thường tới Thạch Hồ ở Hầm Hô để ngày đêm luyện tập. Những thế đá trơn trượt, rêu phong, là điều kiện tốt để ông luyện tấn thêm vững chắc. Bài Lôi Long Đao có 66 hành pháp liên hoàn, theo nghệ thuật cấu trúc các pháp thao không bị trùng lặp. Ông soạn xong bài pháp này tại vùng đất Tây Sơn Hạ vào mùa thu năm Mậu Tý (1768).

Bái tổ lôi long đao
Bắc sát kình phong
Nam lôi thanh thế
Thần đao đoạn kiếm
Kiếm đoạn thương thần
Trùng hình đoạn pháp
Pháp đoạn hùng binh
Lôi long lịnh trảm
Thiên địa tuần hoàn
8.2.Phong hoa đao – Biểu diễn: Ái Thiện.
Bài Phong hoa đao là bài binh khí quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Phong Hoa đao là một trong Ngũ bộ Phong hoa gồm Phong hoa kiếm, Phong hoa đao, Phong hoa côn, Phong hoa thương, Phong hoa thiết phiến của môn phái Hoa Quyền, các võ sinh Bình Định đã thể hiện xuất sắc bài binh khí này qua các giải đấu trẻ, cúp và vô địch quốc gia, đã mang về cho Bình Định nhiều tấm huy chương vàng danh giá.

8.3.Siêu xung thiên – Biểu diễn : Hồng Trang
Bài Siêu xung thiên (còn gọi là Đại đao xung thiên, Siêu bát quái, trong dân gian gọi là Siêu ông) là bài đại đao được Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần 2 do Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam tổ chức năm 1994 bình chọn, thống nhất là một trong những bài binh khí quy định tiêu biểu. Sau khi bình chọn, bài được giới thiệu, tập luyện tại các võ đường võ cổ truyền và đưa vào chương trình thi đấu, biểu diễn bắt buộc trong toàn quốc.
Lời thiệu của bài, là một bài thơ theo thể Đường luật thất ngôn bát cú . Một số võ đường có dị bản của bài thiệu này chỉ bao gồm 7 câu
Xung thiên đề đao trảm phản nghinh
Lôi phong trá tẩu quỷ thần kinh
Đê đầu tầm thụ lai phụng tấn
Trảm phạt trung bình tọa ngưu canh
Long thăng hổ giáng loan xa sát
Tiềm tàng ẩn phục điểu kiên thinh
Lạc mã bàng phi lai cấp thích
Tứ trung bình tọa phục môn sanh
Đề đao lập bộ - bái tổ y như tiên.


          9. Liên khúc dân ca khu 5 (lý thượng, lý vãi chài, lý ngựa ô)
           Kết hợp sử dụng nhiều làn điệu Dân ca cổ, phong phú của Dân ca Liên khu V trước đây như: Lý thượng, Lý vãi chài, Lý ngựa ô để tạo nên một liên khúc dân ca hấp dẫn, sôi nổi, nhiều màu sắc khi trình diễn, nhằm ca ngợi tình yêu quê hương, đất đước và tình yêu lứa đôi trong sáng, chân thành, giản dị, mang lại cảm giác vui vẻ, phấn chấn trong lao động và sản xuất cho người dân.
               Biểu diễn:  Các nghệ sỹ Võ Nương, Bích Lĩnh, Hồ Điệp, Hồng Diễm, Thuý Vân, Hoài Thương.
          Hy vọng, chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp với võ thuật sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của khán giả mộ điệu và du khách gần xa.





 

Tác giả bài viết: Bài: Thúy Hường; Ảnh: Hoàng Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây