MÔ HÌNH NHÂN VẬT NỊNH TRONG TUỒNG

Thứ năm - 30/12/2021 21:13
MÔ HÌNH NHÂN VẬT NỊNH TRONG TUỒNG
          Thế giới nhân vật trong Tuồng rất đa dạng và phong phú. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như đào, kép, tướng, lão, nịnh, mụ… Trong đó, nịnh là một trong những vai thường xuyên xuất hiện trên sân khấu từ các thể loại tuồng cổ, lịch sử, dân gian đến tiểu thuyết và hiện đại, góp phần làm cho tuyến kịch, nội dung vở diễn thêm nhiều màu sắc, hấp dẫn, kịch tính, cuốn hút người xem.
         Vai nịnh thường chỉ các nhân vật phản diện, xu thời nịnh thế. Đó là các gian thần phản quốc, gia nhân phản chủ… Cũng giống như nhiều mô hình nhân vật khác, nịnh cũng có nhiều loại khác nhau: nịnh gộc, nịnh mụt và nịnh chẩu…
Nịnh gộc là dạng nịnh lớn, có vị trí xã hội cao, tạo bè phái, vây cánh lớn xung quanh mình, thường là những tên gian hùng, thâm hiểm, sâu kín như Tạ Thiên Lăng (tuồng Sơn Hậu), Cát Thượng Nguyên (tuồng Đào Phi Phụng), Đổng Trác (tuồng Phụng Nghi Đình), Triệu Văn Hoán (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn), Bàng Hồng (tuồng Diễn võ đình) …Cách đi lại, đứng ngồi của loại nịnh này đều mang tính rình rập, có sự tính toán, luồn cúi bên ngoài, khi thị bên trong, lúc cần rất quyết đoán, lời nói không đi đôi với việc làm, thường nói lối nhiều hơn hát, thỉnh thoảng có những điệu cười đa nghĩa, hay múa mắt và múa râu. Đạo cụ thường dùng là cái quạt.
         Nịnh mụt (nịnh nhỡ) là những kẻ có vây cánh nhỏ, không có nhiều thế lực, thường đơn độc và hay cậy nhờ người khác như nhân vật Trương Vô Khiếp (tuồng Giác oan), Phí Trọng, Vưu Hồn (tuồng Trầm hương các)…loại nịnh này thường hay cười, múa ít và múa gần như  nịnh gộc nhưng mức độ tiết chế hơn.
Còn nịnh chẩu (chảu) là loại nịnh nhỏ, tính cách nông nổi, thiếu mưu mô, không có lập trường như Tạ Kim Ngô, …
          Theo lời cố NSND Nguyễn Lai- người rất thành công và nổi tiếng với những vai nịnh cho hay: “Thể hiện một vai nịnh trên sân khấu Tuồng là rất quan trọng bởi vì “diễn vai nịnh để cho sáng vai trung”. Trên cơ sở những đặc điểm, nguyên tắc thể hiện chung của vai nịnh, NSND Nguyễn Lai đã đi sâu nghiên cứu, tìm tòi những đường nét riêng, các chi tiết cá biệt kết hợp với kinh nghiệm sống thực tế để tạo nên những vai nịnh sống động, hấp dẫn và mang màu sắc khác nhau.
          Xuất phát từ kinh nghiệm dân gian về cách nhìn người “đại gian tợ tín, đại nịnh tợ trung”(nghĩa là kẻ gian làm ra vẻ người đáng tin còn kẻ nịnh tỏ ra người trung nghĩa) và “hữu ư trung tắc hình ư ngoại” (nghĩa là đứa nịnh dù che đậy sâu kín, thâm hiểm thế nào cũng có lúc lộ ra bên ngoài) cộng thêm phần chỉ dạy của các bậc thầy đi trước, NSND Nguyễn Lai đã tìm hiểu rất kỹ về nhân vật nịnh trong Tuồng bằng việc phân tích hoàn cảnh xuất thân của vai nịnh. Cùng là phò mã nhưng Lý Thông (tuồng Thạch Sanh) xuất thân là người bán rượu nên cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ sẽ khác so với các phò mã thư sinh, có nguồn gốc dòng dõi quý tộc, thượng lưu. Hay nhân vật Tạ Kim Hùng (tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn) xuất thân là nông dân, một kẻ vô học nên khi làm quan dù tỏ ra oai vũ đến đâu vẫn còn mang dáng dấp của người cày cuốc. Do vậy, việc phân tích được lai lịch, nguồn gốc của vai nịnh sẽ góp phần phân biệt rõ các dạng vai nịnh: nịnh gộc, nịnh mụt hay nịnh chẩu và biết được kẻ nịnh xuất phát từ bản chất của nhân vật hay chỉ là kẻ gặp thời vận mà sàm tấu, làm càn để góp phần giúp cho diễn viên “nhập vai” một cách phù hợp. Việc sắm tròn vai nịnh là điều không hề dễ bởi khi vào vai nịnh vừa phải thể hiện sao cho ra tên gian nịnh khiến người xem khinh ghét, ghê sợ và lo lắng cho số phận của những người trung nghĩa đang bị y âm mưu hãm hại lại vừa phải tách mình ra khỏi vai để đưa ra cái xấu của nó, để cười nhạo và phủ định nó.

IMG 0388
Ảnh: Hoàng Dũng                                       Cảnh trong tuồng "Phụng Kỳ soán đế"


          Bản chất của mô hình nhân vật nịnh là kẻ tiểu nhân, lòng dạ hẹp hòi, chuyên luồn cúi, nịnh nọt người có chức quyền, địa vị để thăng tiến, cầu lợi và dèm pha, dòm ngó các bậc trung thần, rình cơ hội hại người ngay thẳng, cướp công người khác. Để hòa hợp với tính cách và phản ánh đúng bản chất bên trong nhân vật ấy, vai nịnh trong nghệ thuật Tuồng được quy định hóa trang bằng mặt mốc (màu xám, trắng mốc) bộ râu còm (thưa) và chiếc mũi khoằm. Tuy nhiên, có một vài nhân vật kép nịnh, râu mọc rậm nhưng không được ngay ngắn và thẳng như các bậc chí nhân quân tử. Chẳng hạn như nhân vật Đổng Trác (tuồng Phụng Nghi Đình) là kẻ dâm đãng, luôn dùng mồm mép đỡ chân tay.
          Đi liền với bản chất nịnh bợ, đểu cáng là bộ dạng, cử chỉ, hành động của nhân vật nịnh cũng “bất thường”. Khác với tư thế oai phong, hành động dữ dằn, dứt khoát, tiếng cười lớn của mô hình nhân vật tướng thì đối với nịnh đó là hành động méo mó, không đàng hoàng, hay nói móc, xóc xỉa. Tiếng cười thường nhỏ nhưng mang tính thâm sâu, ẩn ý, ánh mắt không nhìn thẳng mà hay liếc ngang, liếc dọc một một kẻ vụng trộm. Đôi chân mày của mô hình nhân vật nịnh thường màu đen, to dựng ngược, mang râu liên tu, đội mão (mũ) bình thiên, chân đi hia. Khi hát không sử dụng các làn điệu trữ tình như nam xuân, nam ai, thán, oán. Ngữ khí cộc cằn, sử dụng động tác trông gồ ghề, thô thiển.  Với bộ mặt, ngoại hình như vậy cân xứng với lòng dạ hiểm sâu, gian tà, độc ác của mô hình nhân vật nịnh.
         Như vậy, nhìn vào diện mạo bên ngoài về khuôn mặt, bộ râu cộng với cử chỉ, hành động của nhân vật, người xem có thể đoán được đó là trung hay nịnh, thuộc giai cấp, tầng lớp nào như câu đúc kết của dân gian:
                                              “Người trung mặt đỏ, đôi tròng bạc
                                                Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi”
          Một trong những giai thoại để lại dấu ấn về diễn vai nịnh thành công đó là trong một lần diễn vở “Phụng Kỳ soán đế”, nghệ nhân Bình Trọng (Đoàn tuồng Nhơn Hòa- An Nhơn- Bình Định) vào vai tên nịnh thần Phụng Kỳ rất đạt khiến khán giả căm ghét nhân vật này. Người cầm chầu cũng cầm cả nắm thẻ thưởng cố ý ném thẳng vào mặt tên nịnh đáng ghét ấy, bởi ông đã quên hẳn cái thẻ tre dùng để thưởng mà lại xem như một vũ khí bất chợt có trong tay để ném trúng “cái mặt mốc” đang cười hơ hớ kia thì mới hả giận. Với chiếc quạt lông đang phep phẩy trên tay vừa là phương tiện biểu diễn vừa là vật che chắn cùng tài lanh lẹ nên nghệ sỹ Bình Trọng nhiều lần né tránh được nắm thẻ tre cứ bay lên nhằm vào mặt mình. Mỗi lần né được, ông lại hất cái mặt mốc với hàm râu rìa đầy vẻ khiêu khích về phía người cầm chầu. Ông này giận cái tên nịnh kia quá, liền đứng hẳn dậy cầm dùi chầu chỉ thẳng vào mặt nhân vật Phụng Kỳ mà hét to giữa buổi diễn “Giết cái thằng nịnh kia đi!”. Mấy người ngồi gần sân khấu thấy có người “xướng” liền “phụ họa” theo, đòi “giết đầu cái thằng nịnh ấy”…Khi vãn Tuồng, người cầm chầu chạy vào hậu trường tìm diễn viên Bình Trọng bày tỏ: “Tôi ghét cái thằng nịnh ấy quá nên quên là đang xem hát Bội, xin anh bỏ qua cho”. Bình Trọng cười thoải mái: “Tôi biết rồi, xin cảm ơn anh”. Sự hào hứng, nhiệt tình của khán giả đã góp phần giúp người diễn viên diễn thăng hoa, thêm yêu nghề và gắn bó với nghiệp Tổ.
          Thiết nghĩ, mô hình nhân vật nịnh trong nghệ thuật sân khấu Tuồng chính là “hình ảnh thu nhỏ” của những kẻ gian manh, xu thời nịnh thế ngoài đời thực. Nó hội tụ khá đầy đủ bản chất, tính cách của một bộ phận trong xã hội chuyên nịnh bợ, luồn cúi để toan tính, tư lợi cá nhân, đáng bị lên án hiện nay. Sân khấu thật sự là “tấm gương phản chiếu cuộc đời”, là người bạn đồng hành của cuộc sống.

 

Tác giả bài viết: Thục Nương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây