ĐỘC ĐÁO NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI

Thứ tư - 27/10/2021 04:22
ĐỘC ĐÁO NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI
        Nhắc đến nghệ thuật Bài chòi chắc hẳn không hề xa lạ với người dân mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió. Đây thực sự là một trong những bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo không chỉ của dân tộc ta mà còn là “món ăn tinh thần” đặc biệt của bà con miền Trung mỗi dịp tết đến xuân về. Loại hình nghệ thuật này hiện nay được phổ biến từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
        Khác với Tuồng, sau khi ra đời từ dân gian đã đi vào cung đình để trở thành môn nghệ thuật bác học còn Bài chòi đã phát triển thành nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, nhưng vẫn bám trụ và “neo lại” trong lòng nhân dân lao động nông thôn qua nhiều thập kỷ. Đến nay nó vẫn có một sức sống bất tận khắp mọi nẻo quê.
        Tương truyền, hội đánh Bài chòi ra đời từ nhu cầu liên lạc với nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy ở vùng trung du. Sau đó lan rộng ra vùng nông thôn rồi đến miền biển vùng Trung Bộ. Từ một loại hình hô hát để đánh bài trong các chòi do anh (chị) hiệu diễn xướng. Bằng sự sáng tạo độc đáo, thú vị theo lối dân gian và trải qua quá trình hình thành Bài chòi chiếu, Bài chòi từ “đất lên giàn”, đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh. Chính sự phát triển đó đã nâng cao giá trị của Bài chòi đến gần gũi với công chúng từ nội dung kịch bản, hình thức biểu diễn đến giai điệu ngọt ngào của âm nhạc.
         Hô hát Bài chòi thường được tổ chức thành lễ hội vào dịp đầu xuân năm mới, hay các dịp lễ, hội hè…Đây vừa là một trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ vừa là trò diễn xướng mang tính ngẫu hứng, sáng tạo của các anh (chị) hiệu.  
Đạo cụ chơi Bài chòi gồm có chòi, bộ bài, tiền, cờ, rượu (trà)…. Bộ bài được sử dụng là bộ bài Tam Cúc cải tiến với số lượng 27; 30 hoặc 33 lá (tùy từng địa phương) với những tên gọi khác nhau như: Nhứt nọc, Nhì nghèo, Tam quăng, Tứ cẳng, Ngũ trợt, Lục chạng, Bảy thưa, Bát bồng, Chín cu… và chia thành 3 pho: pho văn,  pho vạn, pho sách. Mỗi pho tùy từng vùng miền có tên gọi các con bài không hoàn toàn giống nhau và số lượng cũng dao động từ 9 - 11 con bài. Hình vẽ trên những lá bài vừa mang tính biểu trưng, cách điệu vừa có ý tả thực. Vật dụng để làm những con bài là tre, hình những con bài làm bằng giấy vẽ, rồi dán lên những mảnh tre mỏng, hình mái chèo. Phía dưới hình tượng các con bài, xưa kia thường viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm hoàn toàn. Sau này các nghệ nhân Bài chòi có cải tiến, một mặt viết chữ Hán hoặc chữ Nôm và mặt còn lại là chữ Quốc Ngữ để thế hệ trẻ ngày nay dễ nhận biết trong quá trình chơi bài.
        Cách bố trí hội Bài chòi thường theo hình chữ nhật. Tùy theo từng nơi, có thể sử dụng số lượng chòi khác nhau (9 hoặc 11chòi), chia thành 2 dãy chòi con và 01 chòi trung ương (chòi mẹ) ở giữa. Mỗi chòi con cao khoảng 2 - 3m, rộng đủ vài ba người ngồi và có một chiếc mõ. Còn chòi mẹ cao lớn hơn các chòi con và có một cái trống cán (trống lệnh). Trên các chòi được trang trí đẹp, màu sắc bắt mắt. Đối diện với chòi trung ương, giữa hai dãy chòi con là bàn Hội đồng (có vị trí trang trọng, có ghế ngồi) giành cho các chức sắc địa phương.
 
ANH, CHỊ HIỆU TRONG HỘI ĐÁNH BÀI CHÒI
                                                       Các anh (chị) hiệu trong Hội đánh Bài chòi dân gian

         Một nhân vật không thể thiếu khi chơi Bài chòi đó là anh hiệu (thường là người hát hay, có giọng tốt, có năng khiếu đặt vè, sáng tác và hát thơ, đặc biệt là tài ứng tác rất linh hoạt những bài vè hay thơ lục bát, lục bát biến thể một cách trực tiếp, vui tươi, nhuần nhị, diễn xuất duyên dáng và hài hước). Anh hiệu - Nhân vật trung tâm của Bài chòi, có nhiệm vụ chia bài, rút bài, hô bài, đem tiền, giao cờ đến chòi thắng cuộc trong mỗi ván bài. Khi bắt đầu cuộc chơi, anh hiệu xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để tạo thêm sự hồi hộp, hấp dẫn trong cuộc chơi, anh hiệu thường hô một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chẳng hạn như: Trên tay anh hiệu đang cầm con bài “Ngũ trợt” thì anh ấy có thể hô:

                                             “Chuột kêu chút chít trong rương
                                     Anh đi kẻo trợt đụng giường mẹ hay…”,  hô là con Ngũ trợt.
       Hay nếu là con “Ông ầm” thì hô:
                                        “Anh ngồi vực thẳm anh câu
                                  Trượt chân rớt xuống vũng sâu ầm cái ầm”, hô là con Ông ầm.
Chòi nào có tên con bài trùng với tên con bài anh hiệu đang hô thì gõ mõ (chòi trung ương thì một hồi trống lệnh) để anh hiệu mang con bài đến. Nếu chòi nào trúng ba con bài thì gõ mõ một hồi dài. Lúc đó, anh hiệu sẽ cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu (hoặc trà, tiền) tới trao thưởng cho người trúng. Lá cờ nhỏ cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng trong cuộc chơi. Sau việc phát thưởng mỗi ván, anh hiệu có thể trình diễn một đoạn Bài chòi cổ chúc tết, chúc xuân hoặc có nội dung vui vẻ để phục vụ các vị chức sắc và người đến xem hội. Trình tự cứ diễn ra như vậy cho đến ván bài cuối cùng của hội chơi. Người chơi ngồi trên các chòi vừa được thưởng thức nghệ thuật vừa có thể có thưởng tùy vào từng nơi khác nhau.
Ngoài sức hút từ khả năng văn chương, tài ứng biến nhanh nhạy và hóm hỉnh của anh hiệu, một ban nhạc cổ cũng đồng hành để tăng thêm phần hấp dẫn, sinh động và náo nhiệt trong những cuộc chơi Bài chòi. Dàn nhạc bao gồm những nhạc cụ chủ yếu như: trống, đàn cò, kèn, sanh…Bài bản và làn điệu của Ca kịch bài chòi gồm các điệu hát ru, vè,  lý, hò khoan, hò mái nhì… phổ biến của khu vực miền Trung. Lời hát là những bài thơ bốn chữ theo điệu vè và nhiều nhất là thơ lục bát với bốn làn điệu chính là Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bảnHò quảng. Cùng với những làn điệu, lời ca ngọt ngào, bay bổng đó là sự định danh của những tuồng tích hoàn chỉnh, ăn sâu vào tiềm thức của người dân lao động qua bao thế hệ như: “Phạm Công - Cúc Hoa”; “Lâm Sanh - Xuân Nương”; “Thạch Sanh - Lý Thông”, “Thoại Khanh - Châu Tuấn”…
         Những vấn đề của cuộc sống hàng ngày như ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, tình nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử; đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người hay thậm chí phê phán những thói hư tật xấu, hủ tục lỗi thời, lạc hậu trong xã hội… được các nghệ nhân Bài chòi phản ánh rất sinh động, thông qua ngôn ngữ bình dân, gần gũi, dễ hiểu; diễn xuất tự nhiên, nhẹ nhàng. Nội dung các câu hát sử dụng trong hội chơi Bài chòi đều mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao (không giống với các trò chơi cờ bạc khác). Từ đó, nhiều người dân mê Bài chòi đến độ đúc kết thành những câu ca dao lưu truyền trong dân gian như:
                                              “Thà rằng ăn mắm, mút dòi
                                      Cũng nghe Bài chòi cho sướng cái tai”
        Hay:                              “Rủ nhau đi đánh Bài chòi
                                     Để con nó khóc đến lòi rốn ra”
          Có thể nói, hình thức vui chơi Bài chòi không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là giải trí, mua vui nhân dịp hội hè, du xuân đầu năm mà còn là một sân khấu trình diễn của các làn điệu dân ca đặc trưng của người dân miền Trung. Đó thực sự là một trò chơi dân gian giải trí, mang tính chất văn chương bình dân dành cho tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, gái trai, tầng lớp, giai cấp, địa vị xã hội…
 
NGƯỜI DÂN XEM ĐÁNH BÀI CHÒI DÂN GIAN
                                                                                   Người dân xem Bài chòi dân gian

          Cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc, Bài chòi đã được sân khấu hóa với sự ra đời của Dân ca kịch Bài chòi vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Qua thời gian, nó đã được hun đúc, vun bồi bởi bao thế hệ nghệ sỹ tâm huyết để bảo tồn, chấn hưng và phát triển thành những Đoàn ca kịch Bài chòi tên tuổi của miền Trung như ngày nay. Minh chứng là các đoàn: Dân ca kịch Bài chòi Bình Định (thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định); Dân ca kịch Bài chòi Quảng Nam; Dân ca kịch Bài chòi Khánh Hòa (thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa) đang hoạt động sôi nổi và hiệu quả.
          Từ một nghệ nhân ban đầu là anh hiệu đóng đủ mọi vai khi Bài chòi có tính chất tự sự. Về sau, xuất hiện thêm nhiều nhiều nghệ nhân và phát triển thành bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống hoàn chỉnh. Đó là bước tiến lịch sử, đáng ghi nhận của nghệ thuật Bài chòi xuất phát từ một trò chơi dân gian, mang tính quần chúng rộng rãi và ngày càng khẳng định những giá trị độc đáo của nó.
Trong những năm gần đây, cùng với việc nghệ thuật Bài chòi miền Trung đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã có nhiều hơn những chương trình, hoạt động, đề án, hội thảo… phát triển Bài chòi được quan tâm và tổ chức trên khắp dải đất miền Trung. Đó là động lực, tiếp “lửa” để nghệ thuật Bài chòi ngày càng lan tỏa và phổ biến hơn nữa trong lòng người dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung bởi những giá trị độc đáo, nhân văn, hữu ích mà nó mang lại.
                                                                                                           



 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây