CHỮ TRUNG TRONG TUỒNG CỔ

Thứ tư - 29/12/2021 03:15
CHỮ TRUNG TRONG TUỒNG CỔ
1. Sự đa dạng của chữ “Trung”
        Đề tài của tuồng rất phong phú, đa dạng nhưng chủ yếu xoay quanh chủ đề quân quốc với nội dung: “phò vua, diệt ngụy lúc vua băng - nịnh tiếm, bà chúa mắc nạn, ông trạng bị vây”… Phe trung thần tập hợp nhau lại dưới ngọn cờ đại nghĩa thu phục binh sĩ chống lại phe phản nghịch để đưa Ấu chúa hoặc Hoàng tử lên ngôi tiếp tục sự nghiệp của đấng tiên vương.
        Trong tuồng cổ, đề tài quân quốc chính là sự phản ánh hiện thực lịch sử phong kiến Việt Nam mà nòng cốt là các triều đại Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn với các cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình phong kiến. Mặt khác, chủ đề quân quốc là sự phản ánh chân thật các cuộc tranh giành ngôi báu, thoán đoạt quyền hành giữa các phe phái trong nội bộ triều chính hoàng tộc nắm quyền trị vì đất nước.
          Chữ “trung” dưới xã hội phong kiến vốn là một trong “bốn đức” (trung - hiếu - tiết - nghĩa) luôn được đề cao. “Trung” ở đây là trung quân. Khi chế độ phong kiến đang ở buổi xế chiều, cái ngai vàng của vua có nguy cơ lung lay thì chữ “trung” lại càng phải được chú trọng hơn. Và chính trong những cuộc huyết chiến để lật đổ hoặc bảo vệ ngôi báu ấy, các anh hùng của chủ nghĩa trung quân mới có dịp để thể hiện ý chí và hành động của “tín đồ” xả thân cứu chúa, bảo vệ dòng tộc vô điều kiện.

IMG 8681
 
   Ảnh:  Hoàng Dũng                                                 Cảnh trong tuồng "Sơn hậu"


        Thế giới nhân vật trong tuồng cổ vì lý tưởng trung quân thật muôn hình vạn trạng. Đã là thần dân thì không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, giàu hay nghèo… đều trung với vua. Họ thà hy sinh tất cả chứ không chịu để mất Chúa, dù Chúa ấy có là một hòn máu trong bụng hay một hài nhi ẵm ngửa trên tay. Những con người ấy thà chịu  mất tất cả, kể cả những gì thiêng liêng, máu thịt nhất như tình nghĩa phu thê, phụ tử,  tính mạng của bản thân mình….để phò vua, cứu Chúa. Họ là hiện thân của chính nghĩa, của lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp. Đa số các mảnh trò, các trích đoạn hay nhất của tuồng đều thuộc về những hình tượng nhân vật của lý tưởng trung quân như: “Triệu Đình Long ném con”, “Ngoại Tổ cắt đầu”, “Ngọn đèn Khương Linh Tá”, “Tạ Ngọc Lân lăn lửa”…Sự thăng hoa của tuồng cổ chính là thăng hoa từ những hình tượng về người anh hùng phong kiến xả thân cứu Chúa.
        Hình tượng con người trung quân chiếm vị trí trung tâm trong tuồng cổ nhưng vị thế đó có sự thay đổi qua các thời đại, nhất là thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đề tài quân quốc với nhân vật trung quân như Hoàng Phi Hổ (tuồng Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan) là tấn bi kịch của một kẻ ngu trung trước cái tàn bạo cùng sự dâm ô của Trụ Vương. Sau cái chết thê thảm của vợ mình do vua Trụ gây nên, Hoàng Phi Hổ đã vạch trời mà thét lên rằng “Cái chí trung quân ắt khó thành” và cuối cùng Hoàng Phi Hổ đi đến quyết định long trời lở đất: bỏ Trụ, đầu Chu để tìm đến “chúa sáng tôi hiền”. Tuy nhiên, sự đổi thay đó là không hề đơn giản bởi tư tưởng “ trung quân” đã ăn sâu vào máu thịt của các đấng tu mi nam tử, thậm chí có những thành phần được liệt vào hạng “ngu trung” mù quáng, đánh đổi cả mạng sống của mình để bảo vệ vua và chế độ đã mục nát như Thái sư Văn Trọng (tuồng Phong thần). Hay vở tuồng “Ngũ hổ bình Tây” chữ “Trung” được diễn tả trong mối quan hệ hài hòa với chữ hiếu, chữ tình. Địch Thanh nghe tin dữ về mẹ đã lén bỏ Trại Ba trở về cố quốc. Giữa đêm khuya Trại Ba kiên quyết giữ chồng lại nhưng sau khi nghe Địch Thanh giải bày sự việc, nàng đã đích thân đưa cờ lệnh mở cửa ải cho chàng hồi cố quốc.

2. Các cấp độ thể hiện lòng “Trung”
          Việc thể hiện hành động trung quân ở nhiều cấp độ siêu thường khác nhau tùy từng nhân vật. Nhóm thứ nhất là những con người cương trực, trung nghĩa, thủy chung với đấng tiên vương, dòng họ nhưng có phần nóng nảy, bộc trực nên ảnh hưởng đến cả tính mạng như Triệu Khắc Thường, Phàn Định Công (tuồng Sơn Hậu), Quản Hợi (tuồng Tam nữ đồ vương).
          Nhóm thứ hai là những trung thần bình tĩnh, nhẫn chịu trước tình thế phe phản nghịch đang rất hung hãn, nham hiểm và độc ác để dần tìm cách chống lại chúng. Nhưng để làm được điều đó, có khi họ phải làm những việc trái với phẩm hạnh, đạo đức con người, thậm chí phải trá hàng phe thoán nghịch… như Lê Tử Trình (tuồng Sơn Hậu), Lý Khắc Minh (tuồng Tam nữ đồ vương)…
        Nhóm thứ ba là những con người như Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá, Triệu Đình Long, Tạ Ngọc Lân… Họ có những hành động khủng khiếp, phi thường, có tính chất ghê gớm đến rợn người. Khương Linh Tá (tuồng Sơn Hậu) đầu bị Tạ Ôn Đình chém rơi, tay còn ôm thủ cấp, hồn hóa thành ngọn đèn khuya soi đường cho bạn là Đổng Kim Lân cùng Thứ Phi đưa Ấu Chúa vượt qua gian khó. Hay Tạ Ngọc Lân (tuồng Tam nữ đồ Vương) dùng tình phụ tử lừa đứa con trai độc nhất để phóng hỏa đốt cháy sào huyệt tên nghịch tử rồi dùng miếng võ hiểm cuối cùng đánh ngã nó và cả hai cha con cùng chết cháy trong ngọn lửa ngút trời. Một trường hợp khác là  Triệu Đình Long (tuồng Triệu Đình Long cứu chúa) để cứu Ấu Chúa, ông đã đánh tráo con mình vào thay vị trí của Ấu Chúa rồi tự tay ném chính đứa con đẻ mình xuống vực…
         Nhóm thứ tư là những trung thần nữ, hiện thân của ý đồ giáo huấn đạo đức trung quân. Đó là những “Tam nữ đồ vương” (Phương Cơ, Xuân Hương, Bích Hà) trong vở tuồng cùng tên. Hay những người “anh hùng trong khuê các” như Nguyệt Hạo (tuồng Sơn Hậu), Mai Hương, Mai Xuân (tuồng Triệu Đình Long). Nếu như nghệ thuật Chèo, những con người mang trong mình đạo tam tòng, tứ đức hoặc sự kham nhẫn, khiêm nhường chỉ dành cho nhân vật nữ giới thì Tuồng hai chữ “trung quân”lại dành cho tất cả các nhân vật. Những phụ nữ trung quân được diễn tả “ngang ngửa” với những đấng mày râu đến mức tác giả phải mượn gương các chị em để đặt tên cho vở của mình như “Tam nữ đồ vương”. Họ là những đứa con hiếu đễ, người vợ đảm ngoan, người mẹ hiền từ, nhất mực sống theo đạo đức tam tòng, tứ đức những lúc bình thường và bỗng nhiên trở thành trung thần đầy dũng khí khi triều có biến. Những anh hùng liệt nữ ấy sẵn sàng đặt chữ trung lên trên tất cả để cứu Chúa. Thậm chí có những trường hợp các bà, các mẹ có những hành động cực kỳ quyết liệt khiến đấng mày râu cũng phải sửng sốt như các nhân vật Đổng Mẫu (tuồng Sơn Hậu), Lý Mẫu (tuồng Lý Thiên Lăng). Trước việc tên gian tặc Tạ Ôn Đình trói buộc Đổng Mẫu treo lên mặt thành để dụ Kim Lân (con bà) đầu hàng, bà đã nổi giận và định lao đầu vào thành tự sát. Trường hợp bà mẹ Lý Thiên Long diễn ra cũng tương tự như Đổng Mẫu. Họ thật sự là những người xả thân vì đạo trung quân.
         Trên đây là những phương diện thể hiện đa dạng của chữ “trung” trong tuồng  cổ và cũng là chủ đề chiếm vị trí chính yếu của bộ môn sân khấu truyền thống này. Ngày nay, chữ “trung” ấy cần được nâng tầm, nhân rộng ra ở nhiều gốc độ khác nhau như lòng trung thành với dân tộc, với chế độ, với lý tưởng chân chính hay sự chân thành, trung thực giữa người với người trong xã hội. Đặc biệt là sống, chiến đấu và bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc trong thời đại mới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây