ÂM VANG NHỊP ĐIỆU BÀI CHÒI

Thứ năm - 23/12/2021 02:20
ÂM VANG NHỊP ĐIỆU BÀI CHÒI
          So với một số loại hình sân khấu kịch hát dân tộc khác như Tuồng, Chèo… thì nghệ thuật sân khấu Bài chòi vốn được xem là “sinh sau đẻ muộn” hơn. Do đó, Bài chòi có sự thiếu thốn về làn điệu và bài bản nên vay mượn một số bài bản của các bộ môn nghệ thuật truyền thống ra đời sớm hơn là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, Bài chòi vẫn giữ được sắc thái riêng, không bị mờ nhạt. Lời ca của Bài chòi là thơ lục bát và giai điệu Bài chòi đi theo một tổ chức tiết tấu độc đáo gõ 3 phách, lặng 1 phách (nhịp 4/4). Chính những yếu tố đó đã tạo thành nét giai điệu riêng biệt của Bài chòi. Để làm phong phú thêm làn điệu và tăng tính hấp dẫn cho người xem, các nghệ nhân Bài chòi đã không ngừng sáng tạo, nghiên cứu, bổ sung thêm một số làn điệu cho bộ môn này theo thời gian.
        Trước khi giới thiệu trên sân khấu văn nghệ Cách mạng, Bài chòi có 4 làn điệu: xuân nữ, xàng xê, nam xuân, hò Quảng. Sau hơn 20 năm khai thác, thể nghiệm, nâng cao và phát triển dưới ánh sáng đường lối văn nghệ của Đảng đến nay, Bài chòi đã có những làn điệu chủ yếu như: xuân nữ cổ, xuân nữ mới, xàng xê dựng, xàng xê lụy, nam xuân, hò Quảng…. Ngoài ra, làn điệu Bài chòi còn có hai biến điệu phụ của xuân nữ là xuân nữ chuyển “Mi” và xuân nữ chuyển “Fa”.
Xuân nữ cổ: Thuộc thể loại bài chòi cổ, sử dụng phổ biến là thơ lục bát biến thể, có số ca từ nhiều nên thường sử dụng âm hình tiết tấu đảo phách, nhịp độ hơi nhanh. Giai điệu xuân nữ cổ thỉnh thoảng có pha lẫn giọng điệu tuồng nên làn điệu xuân nữ cổ còn có tên gọi khác là Bài chòi cổ. Làn điệu này được sử dụng trong trường hợp kể lể, dằn xóc, trữ tình phù hợp với các nhân vật có tính cách trung thực, hiền lương và thường áp dụng cho các vai trung niên hay vai lão. Điệu xuân nữ cổ mang một phong cách, sắc thái riêng biệt từ lối hô đến tiết tấu và giai điệu của nó. Chẳng hạn như:
                                                               “Vạn cổ trung can huyền nhật nguyệt…
                                                                 Phen này tào tặc đàng lâm nguy”       

CẢNH VỞ BÀI CHÒI THOẠI KHANH CHÂU TUẤN
                                                                     Cảnh trong vở "Thoại  Khanh - Châu Tuấn"


          Ngược lại với xuân nữ cổ, lời ca của xuân nữ mới phần nhiều là thơ lục bát. Thỉnh thoảng vẫn gặp những câu lục hay câu bát biến thể ít từ, thường xuất hiện tiết tấu đạp nhịp ở câu lục xuống hò và tiết tấu đảo phách ở câu bát. Nhịp độ hơi chậm so với xuân nữ cổ. Giai điệu của xuân nữ mới mượt mà, da diết, có tính chất trữ tình, gởi gắm, nhớ nhung phù hợp với hoàn cảnh nhân vật mang nhiều tâm trạng tự sự, bộc bạch, biểu lộ, tâm tình… Ví dụ như:
                                                          “Ai về thăm mẹ quê ta

                                                          Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm
                                                          Bầm ơi có rét không bầm
                                                          Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn” 
                                                                                               (trích Bầm ơi - Tố Hữu)
          Xuân nữ mới có đặc điểm thường kèm theo sau hình thức nói lối bằng một trong các làn điệu như: xuân nữ mới - xàng xê lụy hoặc các làn điệu dân ca, vè quảng, lý vãi chài… đôi lúc còn sử dụng những đoạn nói lối dài trong ca kịch, nhằm diễn tả tâm trạng nhân vật một cách sâu sắc và ấn tượng.
          Tiếp theo là làn điệu xàng xê với hai điệu thức: xàng xê lụyxàng xê dựng. Với xàng xê lụy có lời ca chủ yếu sử dụng thơ lục bát, tiết tấu phần nhiều là nhịp chính, ít đảo, nhịp độ chậm, cường độ lắng xuống. Giai điệu mang tính chất trữ tình, da diết, bi lụy. Xàng xê lụy có tính chất đau thương, ai oán, tuyệt vọng, than vãn… phù hợp với nhân vật có tính cách hiền lương, trung thực, mang tâm trạng buồn tủi, mất mát, oán hận… thường áp dụng cho những tầng lớp thấp hèn trong xã hội để họ bày tỏ tâm tư tình cảm hay nguyện vọng của mình. Chẳng hạn như đoạn ông Tiều bị xử oan, uất ức trước cửa quan trích trong vở “Lâm Sanh - Xuân Nương”:
                                                      “Xuân Nương ơi! Sống, thác cùng mang nặng trái ngang con ơi!...
                                                      Ai ơi xin nhớ ngày này cửa quan”             
           Đối với xàng xê dựng: lời ca thường dùng xen kẽ giữa thơ lục bát và thơ lục bát biến thể, tiết tấu dùng nhiều đảo phách, nhịp độ hơi nhanh. Giai điệu trong sáng, hùng hồn. Trái với xàng xê lụy, xàng xê dựng mang tính chất căm thù, tố cáo, đấu tranh phù hợp với các vai tướng, kép hay những đoạn kịch đang mâu thuẫn, đấu tranh gay gắt, căm phẫn sục sôi. Cụ thể như:
                                                      “Cây xanh chưa kịp đâm chồi
                                                       Căm thù Mỹ - Ngụy cắt đôi thân cành
                                                       Đêm đêm vắng tiếng túc trinh
                                                      Con suối trong biếng chảy, con chim xanh cũng biếng chuyền”
                                                                                   (trích “Ba Tơ quê mẹ anh hùng”)
          Xàng xê dựng chỉ áp dụng cho những đối thoại mới gây được hiệu quả diễn xướng có cao trào, nhịp độ nhanh, giục giã, cường độ vang to, chắc khỏe. Tuy hiệu quả diễn tả của hai điệu xàng xê lụy và xàng xê dựng có tính chất khác nhau nhưng thực tế lại cùng một điệu thức, giai điệu.
          Âm nhạc Bài chòi luôn biến hóa sinh động theo nội dung lời ca nên cùng một điệu thức như nhau nhưng vì nội dung lời ca khác nhau cũng dẫn tới phong cách hát và nghệ thuật diễn xướng khác nhau. Xuất phát từ đặc điểm này mà điệu Nam xuân đã có 3 phong cách hát. Đó là nam xuân thường, nam xuân chậmnam xuân xóc.
          Đối với nam xuân thường: sử dụng thơ lục bát biến thể, lời ca chỉ diễn tả những sự việc bình thường như trao đổi, bày tỏ, phân giải, răn dạy…tiết tấu vừa phải, giai điệu mang màu sắc sôi nổi. Điệu nam xuân thường có tính chất kể chuyện, phân trần, tự hào, tin tưởng… sử dùng rộng rãi, phổ biến cho các vai tướng, đào, kép, lão…chỉ áp dụng cho những đoạn đối thoại do tính chất của làn điệu.
Nam xuân chậm: chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát thuần (không dùng lục bát biến thể); tiết tấu, nhịp độ rất chậm là đặc điểm cơ bản của làn điệu này. Nam xuân chậm mang màu sắc trầm lắng, tốc độ giai điệu chậm rãi kèm theo nhiều luyến, láy đầy đặn, sâu sắc. Làn điệu này có tính chất đài các, nhàn hạ, thảnh thơi, phù hợp với các vai đào chính diện có tính cáo cao sang, quyền quý, điềm đạm…Do tính chất của giai điệu du dương, chậm rãi nên nam xuân chậm phù hợp với những đoạn hát tự sự, thưởng ngoạn, bạch… Chẳng hạn như:  
                                                                   “Tà tà bóng ngả về tây

                                                     Nhịp cầu nho nhỏ cuối gành bắc ngang”                     
           Còn nam xuân xóc: với thủ pháp xử lý âm hình tiết tấu dấu lặng đã tạo nên một kiểu giọng điệu ngắt quãng, kết hợp với các kỹ xảo thể hiện to nhỏ, luyến láy vốn có, giai điệu đi lúc trầm lúc bổng, diễn tả tính cách xấu xa, đểu cáng, thủ đoạn hay xu nịnh của nhân vật phản diện.
          Một làn điệu nữa không thể thiếu trong nghệ thuật Bài chòi là hò Quảng: Lời ca chủ yếu là thơ lục bát, thỉnh thoảng có xen một hai câu biến thể ít từ, nhịp độ hơi nhanh, tiết tấu sử dụng bình thường tương tự như các làn điệu xuân nữ mới và xàng xê dựng. Nhưng điệu hò Quảng lại đặc biệt thường đảo ở từ số 7 câu bát mỗi khi có xuống hò mà hiện tượng này ít gặp ở các làn điệu khác. Giai điệu của hò Quảng tươi sáng nhộn nhịp, có tính chất vui tươi, trong sáng, đoàn tụ, hạnh phúc,… sử dụng rộng rãi cho các nhân vật già, trẻ. Do tính chất giai điệu của hò Quảng chỉ diễn tả trong phạm vi tình cảm vui mừng, phấn khởi, rạng rỡ nên thường phân đoạn hát ngắn và được áp dụng cho cả đối thoại và độc thoại. Chẳng hạn như: 
                                                          “Quê hương tôi khắp trời đỏ lửa…

                                                          Ấp Bắc dậy sóng hò reo trống dồn”
           Ngoài những làn điệu chính, nghệ thuật Bài chòi có thêm nhiều biến điệu phụ với tính chất diễn tả đa dạng như: xuân nữ chuyển Fa và xuân nữ chuyển Mi. Xuân nữ chuyển Fa tức là lời ca mang thanh không dấu đứng ở nốt Fa, giai điệu mượt mà, sâu lắng, da diết rõ nét hơn. Còn Xuân nữ chuyển Mi xảy ra với cả hai thanh điệu chủ: thanh không dấu và thanh dấu huyền, tạo ra một nét giai điệu chắc, khỏe hơn. Tuy vậy, hai hình thức chuyển điệu vẫn còn ở giai đoạn phôi thai, chuyển lướt qua chứ không thể tách riêng thành những làn điệu độc lập. Hai biến điệu phụ này góp phần điểm tô thêm cho Bài chòi một màu sắc trữ tình sâu đậm.
         Có thế nói, nghệ thuật Bài chòi không chỉ mang tính cộng đồng, tập thể, phản ánh kịp thời các đề tài dân gian trên kịch bản sân khấu mà còn thể hiện sức hút của các làn điệu trữ tình, mang tính gợi cảm, thướt tha, mượt mà như làn điệu Xuân nữ; hùng dũng, mạnh bạo như điệu Cổ bản, Xàng xê; dịu dàng, sâu lắng như điệu Hò Quảng và các điệu lý, điệu hò, vè… Nhờ vậy, Bài chòi đã sống cùng với dân tộc suốt dòng chảy của thời gian hàng trăm năm. Những nhịp điệu của Bài chòi đã âm vang khắp mọi nẻo quê và có sức sống bất tận trong lòng nhân dân lao động nông thôn cùng với niềm đam mê, nhiệt huyết của những nghệ nhân, nghệ sỹ Bài chòi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây