Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định

http://nhahatntttbinhdinh.com.vn


NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH TÔNG DUYỆT VỞ TUỒNG "NƯỚC NAM NIỀM KHÁT VỌNG"

NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH TÔNG DUYỆT VỞ TUỒNG "NƯỚC NAM NIỀM KHÁT VỌNG"
         Sau hơn 2 tháng triển khai tập luyện tích cực trong điều kiện “bình thường mới”, được sự đồng ý của Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, tối ngày 24 tháng 12 năm 2021, tại rạp biểu diễn Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh (590- Nguyễn Thái Học- TP. Quy Nhơn) đã diễn ra buổi tổng duyệt vở tuồng “Nước Nam niềm khát vọng”.
        Để đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid - 19, Lãnh đạo Nhà hát tiến hành Tổng duyệt vở nhưng không đón khán giả tới xem.
       Đến dự buổi tổng duyệt có ông Huỳnh Văn Lợi- Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao và các thành viên Hội đồng nghệ thuật của Sở.
Với đề tài lịch sử cận đại, “Nước Nam niềm khát vọng” đề cập đến bối cảnh lịch sử của nước ta cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đầy nhiễu nhương, biến động. Triều đình phong kiến gần như đến hồi tàn; muôn dân thống khổ dưới sự cai trị của thực dân Pháp.

2


Ảnh Hoàng Dũng
                                                          “Muôn dân nô lệ lầm than
                                                   Vui chi điện ngọc, ngai vàng riêng ta”
         Vua Thành Thái đã nhiều lần rời khỏi hoàng cung, giả dạng vi hành đến với muôn dân cùng khổ. Ông đã tập hợp các lực lượng yêu nước với các thành phần và đã tuyển chọn nhiều cung nữ - bí mật thành lập Đội nữ binh chờ ngày khởi sự.
Những việc làm khác lạ ấy, thời bấy giờ ông phải chịu tai tiếng là vị vua buông tuồng phóng đãng, ưa tửu sắc hoang dâm. Nào mấy ai hiểu được hoài bão của ông với “Niềm khát vọng” muốn cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách xích xiềng nô lệ.
Bên cạnh việc minh oan và ca ngợi chí lớn của vua Thành Thái, vở tuồng còn tôn vinh vị Hậu tổ Tuồng- Đào Tấn. Bởi chính lòng yêu nước, thương dân và tinh thần kháng Pháp của vua Thành Thái có sự ảnh hưởng rất lớn của thượng quan Đào Tấn - người thầy dạy học đầu tiên của Nhà vua.
          Do hạn chế của lịch sử và thời đại nên hầu hết các cuộc khởi nghĩa   trước và trong giai đoạn này đều chưa thành. Thế nhưng, trên con tàu vượt sóng trùng dương, vua Thành Thái luôn đặt niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho dân tộc và đất nước Việt Nam sẽ được thanh bình, tự do.
         Vở diễn “Nước Nam niềm khát vọng” dàn dựng mới tương đối sạch sẽ, bố cục chặt chẽ, đậm chất Tuồng. Với thời lượng khoảng 160 phút, đạo diễn đã kết hợp sử dụng những mãnh miếng hay, hấp dẫn tạo điều kiện cho diễn viên có “đất diễn”. Một số lớp diễn rất xúc động, cuốn hút và làm mãn nhãn người xem. Phần lớn các diễn viên trẻ có sự tiến bộ rõ rệt về chuyên môn, sáng sân khấu, khắc họa tương đối rõ nét tính cách nhân vật.
        Về âm nhạc,vở diễn sử dụng lời nhạc tự sự hay, phù hợp nội dung kịch, phục vụ đắc lực cho diễn xuất của diễn viên, tạo hiệu quả nghệ thuật cho vở diễn.

1


        Dàn dựng mới vở diễn “Nước Nam niềm khát vọng” lần này, các vai chính có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lực lượng diễn viên trụ cột và đội ngũ diễn viên trẻ của Nhà hát, tạo ra sức hút mới, hấp dẫn người xem. Đó là các nghệ sỹ trong các vai: NS Thái Phiên vai vua Thành Thái, NSND Minh Ngọc vai Nguyễn Thân, NSND Xuân Hợi vai Đào Tấn, NSƯT Thanh Bình vai Hoàng Thái Hậu, NS Thu Thẳm vai Quế Hương, NS Ngọc Nhân vai Thị vệ Thạch Ngọc, NS Đức Thành vai Lê Văn Miến, NS Thái Anh vai Khâm Sứ Pháp….
        Nhìn chung, vở diễn đã có sự phối hợp “ăn ý” và sáng tạo giữa tác giả kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, biên đạo múa… tạo nên một tác phẩm nghệ thuật khá hoàn chỉnh, có chủ đề tư tưởng tốt. Vở diễn “Nước Nam niềm khát vọng” được Hội đồng nghệ thuật Sở đánh giá đảm bảo chất lượng nghệ thuật, đủ điều kiển biểu diễn phục vụ nhân dân trong thời gian tới.


 

Tác giả bài viết: Thúy Hường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây